Công đầu thuộc về nhân dân

Xã hội - Ngày đăng : 07:43, 22/01/2011

(HNM) - Hội Gióng là một trong số ít lễ hội dân gian của Việt Nam bảo tồn được gần như nguyên vẹn lễ nghi, các trò diễn xướng… Đây chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Hội Gióng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Sự quan tâm toàn diện


Từ xa xưa, cộng đồng cư dân các làng xã thờ phụng Thánh Gióng đã truyền từ đời này qua đời khác truyền thuyết về người anh hùng, đã lưu giữ những trò diễn và tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Thánh Gióng. Những năm đất nước có chiến tranh, lễ hội ở các đền thờ Thánh Gióng không được mở liên tục, nhưng dân các làng vẫn vào đền dâng hương tưởng nhớ đức Thánh Gióng. Thời kỳ đất nước đổi mới, lễ hội cổ truyền được khuyến khích phát triển thì cộng đồng các làng quê có đền thờ Thánh Gióng lại tổ chức lễ hội một cách trang trọng, thành kính.

Vừa qua, khi xây dựng bộ hồ sơ khoa học trình UNESCO xét đưa Hội Gióng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một lần nữa, cộng đồng lại có vai trò to lớn. Tại hội nghị được tổ chức vào ngày 15-8-2009 ở huyện Sóc Sơn, ngày 16-8-2009 ở huyện Gia Lâm và quận Long Biên, người dân đã tán thành việc xây dựng hồ sơ bằng cách ký các văn bản đồng thuận. Hơn thế, cộng đồng dân cư còn tham gia kiểm kê và thảo luận chương trình hành động quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội Gióng.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ VH,TT&DL và UBND thành phố Hà Nội luôn dành cho Hội Gióng sự quan tâm đặc biệt. Điển hình là việc xếp hạng cấp quốc gia cho di tích đền Sóc vào năm 1962, đền Phù Đổng vào năm 1975. Tiếp đó, từ năm 1993 đến 2000, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở Gia Lâm và Sóc Sơn. Để có thể tổ chức, quản lý hội Gióng được tốt, ngày 15-6-1995, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1638 thành lập Trung tâm Du lịch - Di tích đền Sóc. Năm 1999, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo tồn di tích đền Sóc tại Quyết định số 2917/QĐ-UBND.

Vinh dự, trách nhiệm đều thuộc về nhân dân

Với nhiều nỗ lực, ngày 16-11-2010, Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO theo Công ước năm 2003, trong kỳ họp thứ 5 tại Nairobi, thủ đô nước Cộng hòa Kenya đã chấp thuận đưa Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong ba di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến được UNESCO vinh danh trong năm 2010. Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO từng khẳng định ngay tại phiên họp: Đối tượng có công đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội Gióng là nhân dân các địa phương phụng thờ Thánh Gióng nên vinh dự ấy trước hết thuộc về nhân dân, trách nhiệm cũng thuộc về nhân dân.

Hội Gióng là sản phẩm sáng tạo của cộng đồng dân cư một số địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của chính các cộng đồng đó. Nhưng nay Hội Gióng đã trở thành di sản chung của nhân loại thì sản phẩm sáng tạo đó là của nhân loại, cần được quan tâm đặc biệt. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quảng bá để cộng đồng nhận thức đầy đủ giá trị của Hội Gióng với tư cách là một di sản văn hóa thế giới, đồng thời tạo mọi điều kiện để cộng đồng phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ lễ hội ở Phù Lỗ, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn), Cán Khê, Sơn Du, Đống Đồ (huyện Đông Anh), Xuân Tảo (huyện Từ Liêm), Đông Bộ Đầu (huyện Thường Tín); sẽ thành lập CLB các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở ban khánh tiết ở các làng hiện nay và xây dựng chương trình hoạt động cho CLB này.

Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ cộng đồng tự tổ chức, quản lý, tập luyện thực hành các nghi lễ, trò diễn độc đáo của Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc; sẽ duy trì các lớp dạy múa hát Ải Lao ở làng Hội Xá, quận Long Biên; sẽ xây dựng chính sách ưu đãi với người thực hành lễ hội ở các địa phương có Hội Gióng…

Tuy nhiên, sự quan tâm định hướng chỉ đạo của thành phố Hà Nội đối với di sản Hội Gióng sẽ chỉ mang ý nghĩa quản lý vĩ mô, còn việc tổ chức nghi lễ, diễn xướng của Hội Gióng hằng năm như thế nào vẫn do cộng đồng địa phương có kế hoạch cụ thể, quyết định.

Nguyễn Trọng Tuấn