Mở cửa và... thận trọng
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 22/01/2011
Chỉ mở cửa tại 11 huyện thuộc địa bàn Hà Tây cũ
Tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm.
Trước đó, sau thời gian trao giấy phép thành lập 7 VPCC đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 7-2008, đến nay thành phố (TP) đang dẫn đầu cả nước về số lượng VPCC với trên 40 đơn vị, doanh thu hằng tháng khá lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các VPCC phân bố không hợp lý, tập trung chủ yếu ở nội thành, trong khi khu vực tỉnh Hà Tây cũ, nơi đang nở rộ giao dịch nhà đất, lại chưa có VPCC nào được thành lập. Việc VPCC co cụm vô tình tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, nơi thì thiếu, chỗ thì thừa. Do vậy, từ đầu năm 2009, Bộ Tư pháp đã quyết định tạm dừng việc bổ nhiệm công chứng viên tại Hà Nội để chờ quy hoạch bổ sung chính thức trên cơ sở mở rộng địa giới hành chính. Trong đó, Sở Tư pháp Hà Nội được giao trọng trách xác định rõ số lượng thực tế cho phù hợp với quy mô dân cư và diện tích từng quận, huyện. Đến nay, sau 2 năm khảo sát, chuẩn bị các vấn đề liên quan cho dịch vụ đặc biệt này, từ ngày 17-1-2011, Sở Tư pháp Hà Nội chính thức tiếp tục nhận hồ sơ xin cấp phép thành lập VPCC trở lại. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân, đồng thời siết chặt quản lý, các VPCC mới thành lập này sẽ chỉ được đặt trụ sở tại 11 huyện thuộc địa bàn Hà Tây cũ và huyện Thanh Trì - nơi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Trong trường hợp có nhiều đơn xin thành lập VPCC tại cùng một địa bàn, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ xây dựng tiêu chí để lựa chọn.
Theo luật gia Nguyễn Hoài Nam (TƯ Hội Luật gia Việt Nam), khi Nhà nước cho phép mở rộng mô hình trên thì nhiệm vụ giám sát hoạt động của đội ngũ "sinh sau đẻ muộn" này càng cấp bách. Bởi, thực tế cho thấy sự non kém về nghiệp vụ và kinh nghiệm của không ít công chứng viên trong thời gian qua đã dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, ký xác thực công chứng mà không đọc kỹ văn bản. Kết quả là có văn bản công chứng bị cơ quan chức năng trả lại, không chấp thuận. Đã có trường hợp VPCC chứng nhận giấy ủy quyền ra tòa để giải quyết vụ việc, nhưng đã bị tòa án trả lại vì trong giấy chứng nhận ủy quyền đó, đương sự chưa ký thì công chứng viên đã... ký sẵn rồi. Đặc biệt, có đơn vị còn công chứng cho người đã chết. Thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về người dân, chấp nhận móc túi trả phí cao nhưng có khi dở mếu dở cười khi hồ sơ đất đai trị giá hàng tỷ đồng bị tạm ngưng giao dịch vì vướng cơ sở pháp lý.
Thiếu cơ chế liên kết thông tin
Ngay cả các VPCC uy tín, có doanh thu cao hàng đầu ở Hà Nội khi được hỏi cũng bày tỏ nỗi lo về môi trường làm việc còn nhiều bất cập như hiện nay. Đó là do giữa các VPCC với nhau cũng như giữa họ với các phòng công chứng nhà nước (PCC) và các cơ quan chức năng chưa có mối dây liên kết chính thức được thiết lập. Trong khi đó, chỉ có liên kết giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau mới bảo đảm cho hợp đồng, giao dịch không bị trùng lặp. Việc hợp tác thông tin với Tòa án, Hải quan, Công an, UBND các quận, huyện giúp ngăn chặn được hành vi sai phạm như cung cấp giấy tờ giả, một hợp đồng lại được thực hiện giao dịch ở hai nơi khác nhau. Vậy mà khi công chứng thủ tục nhà đất, muốn tìm hiểu, xác định văn bản, nguồn gốc tài sản liên quan thông qua các cơ quan quản lý tài nguyên, Hải quan, Công an... các VPCC thường gặp khó vì cách lưu trữ lạc hậu và thái độ thiếu chia sẻ từ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó. Vì đây là loại công việc không có trong danh mục buộc công chức phải làm chăng?
Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp căn bản giúp các PCC phát hiện ngay từ đầu giấy tờ giả, hợp đồng sai phạm là lập một phần mềm quản lý thông tin liền mạch giữa quận, huyện, TP và các PCC về tình trạng pháp lý của từng căn nhà, thửa đất... Bên cạnh đó, việc thành lập Hiệp hội Công chứng nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, đối nội, đối ngoại, thúc đẩy sự liên kết hoạt động giữa các đơn vị là vấn đề sống còn trong điều kiện tư nhân hóa hoạt động công chứng như hiện nay. Tại buổi giao ban công tác công chứng 6 tháng đầu năm 2010, Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định, đề nghị trên của các VPCC là hoàn toàn chính đáng và dự kiến trong tháng 10-2010, Hiệp hội Công chứng của Hà Nội sẽ thành lập, không "chờ" sự ra mắt của Hiệp hội Công chứng cả nước. Tuy nhiên, không hiểu sao đã quá lâu kể từ ngày mô hình VPCC được thành lập, "ngôi nhà chung" này vẫn chưa được ra đời.