Trọn phận “làm dâu trăm họ”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:31, 21/01/2011

(HNM) - Giao thông vận tải (GTVT) giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, đặc biệt là ở những thành phố lớn và gắn liền với cuộc sống của người dân nên thường xuyên chịu áp lực lớn, chẳng khác gì


Áp lực đè nặng


Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Đàm Duy


Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao; riêng năm 2010, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 1,6 lần. Đời sống KT-XH, bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi từng ngày. Với những người làm GTVT Thủ đô, đây vừa là niềm vui, vừa là nỗi lo. Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Thủ đô luôn được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, nhất là khi dân số cơ học luôn gia tăng ở mức cao. Lượng phương tiện cá nhân tăng đến chóng mặt. Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi tháng thành phố có thêm từ 10 đến 15 nghìn phương tiện đăng ký mới, trong đó có từ 3 nghìn đến 5 nghìn ô tô. Dẫu hàng loạt công trình giao thông mới xây dựng đã được đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa đủ.

Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vận tải công cộng (VTCC) ở thành phố vẫn phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến năm 2010, mạng lưới xe buýt đã hoạt động ở 80 tuyến, trong đó có 65 tuyến trợ giá, vận chuyển hơn 433 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, VTCC bằng xe buýt đã tới "ngưỡng", trong khi các loại phương tiện VTCC khối lượng lớn khác như đường sắt đô thị, metro, buýt BRT vẫn chưa thể sớm đưa vào khai thác. Trong khi nhà cao tầng mọc lên như nấm, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh lại ngày càng bị thu hẹp, áp lực ngày càng nặng nề...

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Tình hình giao thông ở thành phố vẫn còn những hạn chế, nhưng nhìn nhận công bằng thì nỗ lực của ngành GTVT và các cơ quan chức năng là rất đáng ghi nhận. Không ít "sáng kiến" của "Táo Giao thông" thành phố đã phát huy tác dụng như: thu hẹp vỉa hè, dải phân cách để mở rộng mặt đường; đóng, mở ngã ba, ngã tư… Sự tổ chức, hướng dẫn giao thông linh hoạt thời gian qua đã từng bước góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua nhiều sự kiện lớn của đất nước diễn ra tại Hà Nội như: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN… Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố sắp xếp, tổ chức lại giao thông trên một số nút, tuyến có lưu lượng phương tiện giao thông lớn; cải tạo, lắp đặt mới, điều chỉnh đèn tín hiệu… nên đã giảm ùn tắc tại 66/124 điểm. Đó là lý do số du khách thập phương về thành phố tăng cao nhưng giao thông nhìn chung được duy trì ổn định, không làm ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày của người dân. Tai nạn giao thông năm 2010 giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực chung của đội ngũ CBCNV toàn ngành, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT theo 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của thành phố. Công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước, quy hoạch chuyên ngành đạt kết quả tốt. Ngành tích cực phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về luật lệ giao thông; quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, thi công các công trình dân sinh bức xúc, công trình trọng điểm, hoàn thành nhiều công trình chỉnh trang đô thị. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh; chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được nâng cao, 100% cơ sở đào tạo của Hà Nội đạt lộ trình đổi mới thiết bị tập lái, thực hành lái xe…

Qua 56 năm xây dựng, trưởng thành, với nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô, ngành GTVT Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước, thành phố ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và mới đây là Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phát huy truyền thống đáng tự hào đó, ngành sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Nguyễn Đức