Đề phòng đầu cơ và yếu tố tâm lý

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 21/01/2011

(HNM)- Rét đậm, rét hại kéo dài trong thời gian vừa qua tại các tỉnh phía Bắc đã làm hàng nghìn con trâu, bò chết rét, trực tiếp ảnh hưởng tới sức kéo trong sản xuất nông nghiệp và thị trường thực phẩm; mặt khác hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng điêu đứng do thời tiết không thuận, rau xanh chậm phát triển...


Theo dự báo, nhiều khả năng giá một số mặt hàng như rau xanh, thủy sản và thịt gia súc, gia cầm các loại sẽ tăng đột biến và thiếu hụt trong những ngày tới. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại cho rằng, nguồn cung thực phẩm, rau xanh trên thị trường sẽ không thiếu.

Giá cả leo thang


Mua rau tại chợ Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền


Thời tiết khắc nghiệt kéo dài hơn 2 tuần qua khiến nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm như rau xanh, thịt lợn, trâu, bò, thủy hải sản bị hạn chế và giá tăng chóng mặt. Sáng 20-1, theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới, giá một mớ rau muống bán tại chợ Hà Đông đã lên tới 7.000-8.000 đồng (tăng gấp rưỡi so với hai tuần trước đó), cải xoong 5.500-6.000 đồng/mớ (trước là 4.000 đồng/mớ), cải cúc 3.500-4.000 đồng/mớ (trước là 2.000 đồng/mớ), cải thảo 13.000 đồng/kg (trước là 10.000 đồng/kg), su hào 5.000 đồng/củ (trước là 3.000-3.500 đồng/củ)... Theo bà Đỗ Thị Huấn phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, giá rau xanh mấy ngày qua tăng từ 30-40%, tùy thuộc vào từng loại. Bà Huấn nhận định, giá rau, củ, quả tươi tiếp tục tăng vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch nếu thời tiết vẫn còn rét. Tương tự, giá các loại thịt gia súc, gia cầm trên thị trường Hà Nội cũng tăng nhẹ, dao động từ 10-12%. Trong ngày 20-1, giá thịt lợn ba chỉ ở mức 75.000-80.000 đồng/kg (cách đây 10 ngày là 65.000-70.000 đồng/kg), thịt lợn thăn giá đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, lên khoảng 100.000 đồng/kg, thịt bò có giá từ 140.000-150.000 đồng/kg, tăng từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Tại chợ Hà Đông, bà Trần Thị Nhương ở xã Minh Tân (Phú Xuyên), người chuyên cất buôn rau xanh cho các tư thương ở chợ này cho biết, thông thường những ngày cuối năm, giá rau xanh thường tăng do nhu cầu dự trữ và sử dụng nhiều. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại không kém gì năm 2008 đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây rau, kéo dài thời gian thu hoạch và sản lượng cũng giảm nên đẩy giá lên cao. Theo bà Nhương: "Bình thường, một lứa rau cải chỉ cần trồng khoảng 1 tháng là có thể cho thu hoạch, nhưng do gặp rét đã kéo dài thêm 10-15 ngày nữa; với su hào do thời tiết rét đậm, kèm theo mưa phùn, gió bấc, người dân lại ngại ra đồng chăm bón nên củ chậm lớn... Vì vậy giá rau xanh thu mua tại ruộng ở thời điểm hiện tại cao hơn 20% so với cách đây hơn một tuần".

Không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng vụ đông, đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc. Thống kê của Bộ NN&PTNT đến ngày 20-1 đã có tổng cộng 17 nghìn trâu, bò, ngựa bị chết rét. Thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Lạng Sơn có 2.700 trâu, bò bị chết rét, tiếp đến là Cao Bằng 2.500 con... Đây cũng là một trong những yếu tố tâm lý, khiến giá thịt gia súc trên thị trường tăng trong mấy ngày qua - ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Cùng chung ảnh hưởng của rét đậm, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, một số địa phương đã xuất hiện tình trạng cá bị chết rét hàng loạt. Tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá đã giảm hẳn, đẩy giá cá nước ngọt trên thị trường Hà Nội tăng lên 15-20% so với thời điểm đầu tháng Chạp.

Nguồn cung không thiếu

Trước những diễn biến của thị trường và thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều người dân lo ngại nguồn cung rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản sẽ thiếu hụt nghiêm trọng và giá sẽ tăng vọt trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành nông nghiệp lại cho rằng, nguồn cung thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sẽ không thiếu, giá cả có thể tăng lên do yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó là tình trạng một số tư thương lợi dụng đẩy giá bán lên khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm, rau xanh càng cao. Hiện nay, giá rau, củ bán tại ruộng của nông dân thấp hơn nhiều so với giá bán tại các chợ. Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao khẳng định, trâu, bò bị chết rét nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, bởi đa phần gia súc bị chết rét là nghé con. Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động đề xuất nhập khẩu thêm thịt gia súc phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán. Ở khía cạnh khác, rút kinh nghiệm từ đợt rét năm 2008, các tỉnh, thành vùng đồng bằng đã dự báo được tình hình rét đậm, rét hại kéo dài nên đã chủ động phòng chống rét nên tình trạng gia súc, gia cầm chết hàng hoạt không nhiều, vì vậy, nguồn cung thịt gia cầm, gia súc cho thị trường Tết năm nay sẽ không bị thiếu hụt lớn.

Liên quan đến giá rau xanh tăng trong dịp Tết Nguyên đán, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc cho hay, nhu cầu về rau xanh cuối năm âm lịch sẽ tối thiểu tăng từ 10-15%. Lường trước việc này, Bộ NN&PTNT đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày, chịu được thời tiết lạnh như bắp cải, su hào, khoai tây, cà chua... và các loại rau khác. Trong những ngày áp Tết, giá một số mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thực phẩm và rau xanh sẽ tăng, tuy nhiên mức giá không quá cao, vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác, đề phòng tư thương đầu cơ đẩy giá lên cao để trục lợi.

Thúy Nga