“Phố Trịnh” và những cuộc tình dang dở
Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 20/01/2011
Ca sỹ Hồng Nhung và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (năm 1999)
(HNMO)- Trong kho tàng ca khúc, khoảng 600 tác phẩm của Trịnh Công Sơn, ta có thể thống kê ra hàng trăm từ “phố” được hát lên. Ngay chỉ với 122 bài do chính tác giả tự chọn lúc sinh thời, trong tập nhạc Trịnh Công Sơn (NXB Âm nhạc - 1995), với ba phần: “Bên đời hiu quạnh”; “Trong nỗi đau tình cờ” và, “Thuở ấy mưa hồng”; thì có tới 45 bài xuất hiện chữ phố hoặc tả hình ảnh đường phố. Đặc biệt, trong những bài hát viết cho những bóng hồng mà ông thương yêu cũng thường gắn với con phố, những nơi mà ông đã đi qua và chúng bất ngờ trở thành biểu tượng của tình yêu, hay sự chia xa.
Tình bơ vơ “Gọi tên bốn mùa”
Đây có thể nói là chuyện tình đầu tiên của Trịnh Công Sơn, khi anh mới hai mươi tuổi, và đang sinh hoạt trong một ban nhạc ở Huế. Cô gái xinh xắn và có nét đẹp thánh thiện ấy là Ph Th, em gái ca sĩ Hà Thanh. Nhiều anh chàng yêu thầm, trộm nhớ cô nàng, nhưng không ai thể hiện rõ rệt và si mê như Trịnh Công Sơn. Sự đời thật trớ trêu, Ph Th không hề có bất cứ một cử chỉ nào, ngay kể cả một ánh mắt gửi trao cho chàng nhạc sĩ trẻ tài hoa, lúc đó đã nổi tiếng với ca khúc “Ướt mi”. Trịnh Công Sơn say đến mức còn nhận biết cả mùi hương toát ra từ người cô gái ấy. Có lần nhạc sĩ kể ra điều này với bạn bè rằng, khi nào Ph Th đến thì có một làn gió thơm toả ra trước, nên rất dễ nhận biết, chứ không cần ngoái lại nhìn. Mặc dù tình yêu không được đáp lại, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn ước vọng và đã sáng tác tới ba bài hát để thể hiện tình cảm của mình.
Đặc biệt, hình ảnh phố lấp lánh hiện lên trong nét vẽ thuỷ mặc, qua giai điệu đầy tâm trạng làm xao xuyến lòng người. Nếu ca khúc “Nắng Thuỷ Tinh” có câu: “Em qua công viên mắt em ngây tròn” và “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, thì trong ca khúc “Nhìn những mùa thu đi” Trịnh Công Sơn vẽ lên cảnh phố rất mơ mộng: “Chiều tím loang vỉa hè và gió hôn tóc thề”. Nhưng có lẽ phố hiện lên khắc khoải hơn trong bài “Gọi tên bốn mùa”, đó là câu: “Hàng cây khô tình bơ vơ. Hàng cây đưa em đi về. Giọt nắng nhấp nhô”.
Chẳng bao lâu nàng Ph Th đi lấy chồng. Trịnh Công Sơn buồn ủ ê một thời gian. Nhưng sau cuộc tình bơ vơ ấy, anh đã để lại cho đời ba bài hát rất hay, mở đầu cho sự nghiệp tình ca của mình về sau này .
Tình ngóng những chuyến mưa qua
Duyên số hai lần “đò” sau của Trịnh phải nói thật như trời xui đất khiến. Nó giống như các cụ xưa nói “Tình chị duyên em”. Số là vào năm 1961, Trịnh Công Sơn để mắt tới nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm, mỗi khi cô đi qua nhà mình ở đầu cầu Phủ Cam. Người đẹp có dáng cao, nét mặt tươi rói, thông minh, nhìn rất đài các và hấp dẫn, với bước đi khoan thai nhẹ nhàng trên đường phố Huế. Nhưng mối quan hệ này bị gia đình nhà Diễm phản ứng, bởi hình ảnh cậu học trò Trịnh Công Sơn hay dong chơi, với giới “xướng ca vô loài” sẽ chẳng có tương lai. Thế là “Diễm xưa” ra đời trong cuộc tình đắm say đơn phương của anh chàng họ Trịnh. Hình ảnh phố cũng hiện lên ngay từ câu mở đầu: “Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”.
Ấy thế rồi trong những lần lén đến nhà Diễm chơi, Trịnh Công Sơn bất ngờ bị một tình yêu sét đánh khác, làm anh thẫn thờ; đó là sự xuất hiện của Dao Ánh, em gái Bích Diễm. Tình chị chưa tới, thì tình em lại hút hồn người nhạc sĩ đa tình này. Khác với nét đẹp quý phái của chị, Dao Ánh lại huyền diệu bởi sự dịu dàng, đoan trang, với ánh mắt mơ mộng, hồn nhiên. Để tỏ tình một cách sâu kín nhất không gì bằng âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã rung động mạnh với tình yêu của mình qua những ca khúc như “Mưa hồng”, “Tiếng hát dạ lan”, “Mặt trời ngủ yên” và sau này là “Xin trả nợ người”.
Bà Bích Diễm (thời sinh viên)
Ngay từ bài “Mưa hồng” hình ảnh phố cũng được xử lý để nói lên tâm trạng của mình với câu: “Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau”. Cuối cùng, tuy mối tình không đi tới hồi kết, nhưng cái tên Trịnh Công Sơn ngày càng nổi tiếng với những ca khúc về tình yêu, với hình ảnh phố và những con đường lung linh trong ảo giác làm rung động lòng người.
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Thêm một chuyện tình nữa của Trịnh Công Sơn với người đẹp Bích Khê, hồi đi học sư phạm ở Quy Nhơn, vào những năm 1963, 1964. Bích Khê nom nhỏ nhắn dễ thương và là một giọng ca của ban nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra để hoạt động cho nhà trường. Nhưng thật ra đây lại là một cuộc tình đơn phương, bởi Bích Khê không hề chú ý lắm, mặc cho anh chàng lắm mối kia yêu thầm trong lòng mà thôi.
Mọi chuyện chỉ lộ ra khi bất ngờ người đẹp phải rời nhà trường để về với gia đình ở Nha Trang. Đêm hôm trước khi tiễn Bích Khê lên đường, Trịnh Công Sơn rất xúc động viết lên những giai điệu da diết thể hiện tình yêu trong chia xa, ngay trên bờ biển Quy Nhơn. Đó là hình ảnh phố được phác hoạ trong ca khúc “Biển nhớ”, với câu hát: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng”, hay như: “Ngày mai em đi, đèn phố nghe mưa tủi hờn” cùng với “Cồn đá rêu phong tủi buồn”…
Lại… một mình qua phố
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn, năm 1965 thầy giáo trẻ Trịnh Công Sơn được cử lên dạy học ở thị trấn B’Lao (nay là Bảo Lộc- Lâm Đồng). Nơi đây vắng vẻ và lạnh lẽo. Nhưng muôn sự lại bắt đầu từ đây, với Trịnh Công Sơn, trên mảnh đất rừng rú này. Đầu tiên là ca khúc “Chiều một mình qua phố” ra đời để bày tỏ cái “Nỗi em” với một cô gái xứ đạo, thường gặp mặt trên đường, mỗi khi cô đi qua trường học nhỏ bé của mình. Vẫn đơn phương? Đúng thế! Lại một mình yêu và nhớ. Phố lại là điểm tựa: “Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em”.
Ca sỹ Khánh Ly và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (năm 1965)
Nghe nói tên cô gái ấy là Ngà. Rồi còn “Tuổi đá buồn” nữa chứ. Cái đẹp vẫn toát lên từ cái nền phố và hoa: “Đoá hoa hồng cài trên tóc mây, ôi đường phố dài, lời ru miệt mài…”. Và, mọi chuyện lại trở thành ký ức trong ca khúc tràn ngập nỗi nhớ. Trong ba năm ở đây, Trịnh Công Sơn đã sáng tác dược nhiều ca khúc và dựng nghiệp nổi danh với thế giới sau này qua Album “Ca khúc da vàng” và đặc biệt nhạc sĩ đã gặp Khánh Ly ở Đà Lạt.
Và yêu hàng phố Nguyệt-Hương-Hoa
Sau này do thời thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở lại Huế sinh sống, vào những năm 70 đến 75. Minh Nguyệt chính là cô gái đã làm Trịnh Công Sơn ngày đêm mất ngủ, với vẻ đẹp sang trọng của mình. Cô nữ sinh Đồng Khánh ở thôn Vỹ này là niềm mơ ước của bao chàng trai, trong đó có anh chàng họ Trịnh. Nhưng tất cả vẫn chỉ là mộng tưởng mà thôi. Ngay lập tức, Trịnh thể hiện sự ngẩn ngơ trong ca khúc “Nguyệt ca”, đến mức “từ khi thôi là Nguyệt, tôi như đường phố nhiều tên”.
Lưu bút của Trịnh Công Sơn.
Còn nữa, cô gái có tên Quỳnh Hương, ngay sau đó lại bỏ bùa vào nhạc Trịnh với ca khúc cùng tên, với những câu hát đẹp đến sửng sốt cảm xúc người nghe: “Thôi chào em, về giữa phố xá thênh thang”. Phố trong “Quỳnh Hương” vậy đó. Nghe nói ở Huế thời gian này Trịnh Công Sơn còn vướng nợ tình vài người đẹp khác, nhưng chỉ có cô gái tên Hoa, mới đủ độ rung động để anh viết bài “Hoa xuân ca”.
Miên man phố tình Sài Gòn-Hà Nội
Sau 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào sống và hoạt động âm nhạc tại TP Hồ Chí Minh cho đến cuối đời. Trong thời gian này, nhiều cuộc tình đến với ông rồi lại bỏ đi như những làn gió buốt.
Chuỗi tình lãng mạn bắt đầu từ người đẹp Hoàng Lan mà Trịnh Công Sơn quen biết từ năm 1981. Ngỡ như duyên nợ đắm đuối này sẽ thành một tổ ấm, nhưng chẳng ngờ vẫn một mình một bóng. Trịnh lại tìm đến phố để giải toả nỗi niềm cùng sự chia xa. Đó là câu hát: “Một thoáng hương bay bên trời phố lạ” trong bài “Hoa vàng mấy độ”
Rồi, dòng dã 6 năm sau, Trịnh mới sững sỡ vì cô nàng DH, với vẻ đẹp kiêu sa, trong một cuộc dạo phố. Thật oái oăm thay, tay bắt mặt mừng chưa được bao ngày thì người bạn trai của cô ta từ đâu trở về, làm cho Trịnh thảng thốt vì “tình gian dối quá”. Và phố lại nhập đồng trong tâm trí anh, qua ca khúc “Trong nỗi đau tình cờ” với câu: “Tôi đã đưa em qua nhiều phố, khi lá cây khô bay đầy ngõ”.
Á hậu Trần Vân Anh
Trịnh Công Sơn muốn chôn vùi mọi chuyện cũng chả được, cái số đào hoa nó vậy. Thế là năm 1990, Trịnh bất ngờ có một cuộc tình nổi tiếng với người mẫu, Á hậu Vân Anh. Lần này, Trịnh quyết định lên xe hoa, ấy thế mà câu chuyện bỗng lái sang hướng khác làm Trịnh cảm thấy tuyệt vọng. Đến mức Trịnh muốn gọi tên phố trong mình không được nữa trong bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, mà chỉ còn là:“Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ” làm tan nát một tâm hồn đa sầu đa cảm.
Sau đó hai năm, Trịnh gặp Hồng Nhung, ngỡ như trời cho vậy, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở một cuộc tình “vô thường” đúng như Trịnh mỗi khi nhắc tới. Thực mà ảo trong mọi nỗi niềm và Trịnh đã cho ra đời bộ ba ca khúc về Bống. Những giai điệu nói nhiều về sự chia sẻ và thương cảm hơn là yêu đến “chết” như các cô gái trước đó. Chỉ một câu thôi, với từ phố, hẳn ai cũng có thể nhận ra: “Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố” trong bài “Bống không là bống”. Phải chăng, Trịnh muốn né tránh mọi sự cay đắng của một tình yêu đơn phương, thầm lặng mà chẳng bao giờ tới.
Ngay kể cả một cô sinh viên y khoa nọ ở Hà Nội, hồi năm 1994 cũng vậy; khi cô ước nguyện sẽ đi đến cuối cuộc đời với Trịnh, nhưng mọi chuyện lại chỉ dừng ở thì tương lai, lỗi hẹn. Trịnh chỉ hát lên bài ca thu cảm trong lòng mình, bằng giai điệu “Đoản khúc thu Hà Nội” tuyệt mỹ, để trao tặng cho người con gái bí mật kia. Qua nhạc điệu, con phố hiện ra như một bức tranh lụa vậy: “Xôn xao con đường, xôn xao lá. Nhoà phố mong manh, nhoè phố mưa” hay nặng lòng như: “Vì một bàn tay không ngần ngại. Tặng hết cho tôi một phố chờ”.
Dường như, Trịnh Công Sơn say phố như say người đẹp vậy. Hồn phố chính là hồn người. Phố Trịnh trong nhạc, cũng giống như Phố Phái trong tranh; đó là những con phố tình đầy ẩn ức làm day dứt lòng người. Nét giao thoa ấy nào ai đã có!?.