Eurozone muốn tăng quỹ giải cứu: Chưa thể đi đến quyết định
Thế giới - Ngày đăng : 07:36, 20/01/2011
Eurozone đang nỗ lực ngăn khủng hoảng nợ. |
Khả năng nợ nần vẫn hiện hữu và tiếp tục lây lan tại cựu lục địa khiến các nhà lãnh đạo châu lục phải nhìn thẳng vào sự thật là cần tăng sức đề kháng để bảo đảm cho sự sống còn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trước khi quá muộn.
Chỉ cách đây hơn một tháng, nhiều bộ trưởng tài chính trong vai trò "cầm cân nảy mực" vẫn lạc quan tin rằng còn quá sớm để bàn thảo việc tăng giá trị Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Với số tiền khổng lồ, 750 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD), cơ chế tài chính khẩn cấp này sẽ đủ sức giải quyết bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra sau Hy Lạp và Ireland. Thế nhưng, khi những nỗ lực thoát thân của Bồ Đào Nha vẫn như đá ném ao bèo, châu Âu nhận ra rằng sự tự tin có thể sẽ là chủ quan đáng tiếc.
Cho dù đã vượt qua bài sát hạch quan trọng khi phát hành thành công 1,249 tỷ euro trái phiếu hôm 12-1 vừa qua, nhưng Lisbon vẫn cần huy động thêm 15 tỷ euro để trả nợ cũ. Cộng thêm mức thâm hụt ngân sách lên tới gần 10% GDP và nợ đến hạn vượt ngưỡng 90% GDP, các ý kiến ủng hộ dự đoán Bồ Đào Nha chỉ còn bước rất nhỏ nữa là sẽ sát gót Hy Lạp và Ireland. Không những thế, các nền kinh tế Tây Ban Nha, Bỉ hay Italia đều đang dần lộ diện như các ứng viên "tiềm năng" lần lượt trở thành những quân bài domino kế tiếp. Vấn đề nguy hiểm là, nguồn quỹ hữu hạn của EFSF không thể bao bọc được tất cả những khó khăn vô hạn của từng đấy thành viên.
Trong sự hoang mang đó, sức ép thị trường đã tạo áp lực lớn với 17 vị bộ trưởng tài chính của Eurozone khi họ phải tìm ra quan điểm chung về quy mô cũng như phạm vi cải tổ quỹ giải cứu. Đây là vấn đề từng gây bất đồng gay gắt giữa các nước trong Eurozone bấy lâu nay. Bất chấp quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng các lãnh đạo khu vực cần mở rộng nguồn vốn vay cho quỹ cũng như đề xuất của Bỉ tăng gấp đôi ngân sách quỹ, từ 750 tỷ euro lên 1.500 tỷ euro, đại diện của Đức tới hội nghị với tuyên bố không có lý do gì phải quyết định vội vàng. Như vậy có nghĩa là, quốc gia đóng góp lớn nhất cho EFSF vẫn chưa muốn thay đổi lập trường phản đối bất cứ sự gia tăng đáng kể nào cho quỹ cứu trợ tài chính. Có thể chia sẻ sự cương quyết này, bởi trên thực tế trong vai trò đầu tàu kinh tế châu Âu, mở rộng EFSF cũng đồng nghĩa với việc Berlin phải gánh thêm những khoản tài chính bất thường trong điều kiện chẳng mấy dư dả. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel hướng tới lập luận, tiền chưa phải là tất cả, quan trọng hơn là một cơ chế sử dụng vốn hiệu quả và những cải cách cần thiết trong quản lý kinh tế của châu Âu.
Do vậy, tại Brussels lần này, giới lãnh đạo tài chính Lục địa già cũng đã xem xét vấn đề quyền hạn của quỹ hỗ trợ. Theo đó, quỹ không chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp vốn vay khẩn cấp cho các nước thành viên mà còn bao gồm cả quyền mua trái phiếu của các quốc gia lâm nạn tại các thị trường thứ cấp như đề xuất của Pháp. Một dự luật mới cũng vừa được đưa ra tại Brussels nhằm hạn chế các chính sách tài chính thất bại và thúc đẩy chiến lược ngân sách thận trọng. Rõ ràng Eurozone đang quyết tâm thực thi kế hoạch tổng thể để giảm tốc sự mở rộng của cơn sốc nợ.
Với nhiều khác biệt về tăng vốn cho EFSF giữa các thành viên mà mạnh thường quân hàng đầu là nước Đức chưa đồng thuận, vì thế, cuộc tập hợp tại thủ đô của châu Âu nhằm tăng sức mạnh giải cứu đã không thể đi đến quyết định cuối cùng. Các nhà đầu tư đã một phen hú vía khi chứng khoán châu Âu đột ngột tuột dốc do khả năng EFSF không được rót thêm vốn được tiên lượng sau 2 ngày nhóm họp là một cảnh báo mới về kinh tế châu Âu ngay trong tháng đầu của năm mới. Trước những dự báo không mấy lạc quan như vậy, việc cần có của "dắt lưng" nhằm ngăn chặn kịp thời một cuộc khủng hoảng đang có cơ lan rộng sẽ tiếp tục là vấn đề nóng bỏng và nan giải tại châu Âu trong những ngày tới.