V.League 2011: Sân chơi của ngoại binh?
Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 20/01/2011
Mức tiền lương trung bình của các ngoại binh tại V.League hiện nay thuộc loại cao nhất Đông Nam Á. |
Gần đây nhất, khi ĐTVN thất bại ở AFF Cup 2010, các chuyên gia đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính là cầu thủ nội bị ngoại binh lấn át, cầu thủ trẻ ít có cơ hội thể hiện mình. Cầu thủ ngoại hiện đang nắm giữ hầu hết vị trí quan trọng trong đội hình các CLB V.League, từ thủ môn, trung vệ, tiền vệ trung tâm đến tiền đạo.
Đáng sợ nhất là ở hàng công, bởi đội nào cũng sở hữu nhiều tiền đạo ngoại giỏi khiến chân sút nội bị gạt ra rìa. Điểm qua các đội bóng, người ta thấy toàn những chân sút ngoại có thương hiệu như Philani, Nwafor, Leandro (B.Bình Dương), Gaston Merlo (SHB.Đà Nẵng), Gonzalo (HN.T&T), Timothy (HP.HN), Samson (CS.ĐT), Almeida, Endene (N.Sài Gòn), Antonio Carlos, Danny David (ĐT.LA), Evaldo (HA.GL), Agostinho (K.Khánh Hòa)… Đội bóng có ngoại binh giỏi thường xây dựng lối đá xoay quanh các ngoại binh đó nên cầu thủ nội càng khó có cơ hội. Thế nên, suốt 9 năm nay, danh hiệu "Vua phá lưới" luôn nằm ngoài tầm với của các chân sút nội.
Ở hai vòng đấu trong khuôn khổ Cúp Quốc gia vừa qua, xu hướng lấn át của tiền đạo ngoại càng rõ hơn bao giờ hết. Ngay cả những tiền đạo của ĐTQG Việt Nam cũng phải ngồi ghế dự bị, hoặc không được đá đúng vị trí sở trường bởi bị ngoại binh chiếm chỗ. Ở trận SG.XT thắng ĐT.LA 2-0 vừa qua, tiền đạo Sỹ Mạnh chỉ được ngồi ghế dự bị bởi HLV Lư Đình Tuấn thường sử dụng các chân sút như Huỳnh Kesley hay Lucas. Thậm chí, ngay cả khi Lucas chơi không thành công và Sỹ Mạnh được vào thay ở hiệp 2 thì chỗ của Mạnh cũng không phải là vị trí trung phong mà anh phải dạt sang biên trái.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các tiền đạo Quang Hải, Anh Đức bởi họ không thể cạnh tranh nổi với các chân sút to cao, mạnh mẽ như Almeida, Endene, Nwafor hay Philani… Ngay cả tiền đạo nổi tiếng Công Vinh cũng rất khó tranh đoạt vị trí trung phong với Gonzalo và nếu có trở lại thì Vinh cũng chỉ có thể đá lùi, hoặc chuyển sang đá cánh trái. Không được đá đúng vị trí sở trường, hầu hết chân sút nội đánh mất bản năng ghi bàn khi trở lại vị trí trung phong. Đó cũng là lý do mà ĐTQG luôn thiếu tiền đạo giỏi trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo gửi VFF của 12 đội bóng dự V.League 2010 (ngoại trừ SLNA và V.Ninh Bình), tổng số tiền lương mà các CLB phải trả cho các cầu thủ trong năm qua lên đến 147,68 tỷ đồng, riêng lực lượng ngoại binh chiếm tới gần 50% (hơn 71 tỷ đồng). Số lượng ngoại binh chỉ chiếm khoảng 20% quân số mỗi đội bóng, nhưng lượng tiền mà họ "ngốn" thì lại bằng cả số đông gộp lại.
Trên thực tế, mức tiền lương trung bình mà các ngoại binh nhận được ở V.League hiện nay đã thuộc loại cao nhất Đông Nam Á. Ngay ở Thái Lan, mức lương cao nhất dành cho các ngoại binh thường bị khống chế ở mức 5.000 - 7.000 USD/tháng. Nếu ở V.League thì sẽ chẳng thể thuê nổi ngoại binh giỏi với số tiền này bởi mức lương trung bình của ngoại binh hiện đã lên đến gần 8.000 USD/tháng.
Tốn quá nhiều tiền để thuê ngoại binh chỉ vì thành tích trước mắt mà quên đi giải pháp lâu bền là đào tạo trẻ, BĐVN đang phải trả giá với kiểu "xây nhà từ nóc". Thử hỏi, sau khi các ngoại binh kiếm bộn tiền từ Việt Nam rồi ra đi, chúng ta còn lại gì?