“Đi trước mở đường”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 20/01/2011

(HNM)- 5 năm qua là giai đoạn đặc biệt khó khăn với ngành giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam. Không chỉ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành còn trải qua nhiều biến động, thăng trầm. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, giao thông vẫn đang giữ vững vai trò


Không ít thăng trầm

Ngành giao thông 5 năm qua thực sự có nhiều biến động, thăng trầm, khởi đầu là vụ PMU 18 làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Bộ máy cán bộ cao cấp xáo trộn, gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB). Cơn "bão giá" xảy ra sau đó, XDCB giao thông gần như đình trệ, các dự án thực hiện với tốc độ "rùa bò", đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, rất nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm vì tâm huyết mới tiếp tục gắn bó với ngành. Tuy nhiên, một số lãnh đạo quản lý dự án của Bộ GTVT cho biết, đây là thời điểm "chảy máu chất xám" khá nhiều do công việc, thu nhập bị giảm sút đáng kể.

Trong lúc toàn ngành đang nỗ lực vượt qua bão giá, cuối tháng 9-2007, phần cầu dẫn cầu Cần Thơ đang thi công bỗng đổ sập làm 54 người chết, 80 người bị thương, là một trong những vụ tai nạn lao động đau buồn nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường Việt Nam cũng như thế giới. Đầu năm 2009 lại liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn khi thi công cầu, làm 6 người thiệt mạng tại công trường cầu Chợ Đệm (TP Hồ Chí Minh) và công trình cầu Trà Ôn (Vĩnh Long). Những tưởng các vụ tai nạn đau thương nói trên sẽ kết thúc cho chuỗi thời gian trầm lắng, khi các dự án chuyển động vươn lên trở lại, viễn cảnh mới như mở ra với hàng loạt công trình hoàn thành, an toàn giao thông đạt kết quả khả quan, vào thời điểm năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm, lại xảy ra vụ Vinashin…

Và những dấu ấn khích lệ


Cầu Thanh Trì hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
của Hà Nội và khu vực lân cận.


Đi trước, mở đường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức là bình thường, nhưng rõ ràng với hàng loạt biến cố nói trên, giai đoạn 2005-2010 thực sự khốc liệt đối với GTVT nước nhà. Tuy nhiên, với truyền thống anh dũng, sáng tạo cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành GTVT đã dần vượt qua thử thách, hàng loạt công trình giao thông quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng chính trong giai đoạn này. Tại Thủ đô Hà Nội, đúng ngày thành lập Đảng 3-2-2007, cầu Thanh Trì, cây cầu được thi công với công nghệ tiên tiến bậc nhất khi ấy được đưa vào khai thác. 3 năm sau, dự án đường Vành đai 3, gói thầu 3A cầu cạn Pháp Vân cũng hoàn thành, tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh Vành đai 3, cùng với quốc lộ 18, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH không chỉ cho Hà Nội mà cả khu vực. Cầu Vĩnh Tuy, cầu Phùng, quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long… sau đó liên tiếp được đưa vào khai thác, làm nên bộ mặt giao thông đô thị hiện đại ở Thủ đô. Đây là giai đoạn Hà Nội "được mùa" các công trình giao thông lớn.

Ở vùng Tây Bắc, quốc lộ 6 và một loạt tuyến đường quan trọng khác đã được mở rộng, nâng cấp. Những khúc cua nguy hiểm như đoạn lên đèo Pha Đin năm nào, nay đi vào lịch sử và được thay thế bằng những cây cầu vắt qua thung lũng, giảm đi sự nguy hiểm chết người…

Phía Nam, Bộ GTVT đã dành tới 36% nguồn ngân sách nhà nước được giao trong giai đoạn 2006-2010 để đầu tư phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng về hạ tầng đường bộ, 5 năm qua, Bộ phân bổ khoảng 39% ngân sách TƯ dành cho đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường bộ cho các dự án khu vực này. Hàng loạt cầu lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Gành Hào… Tuyến đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ… đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Mạng lưới đường bộ được nâng cấp hoàn thiện cùng với mạng lưới đường thủy hứa hẹn tương lai tươi sáng cho khu vực kinh tế trọng điểm này.

Trên cả nước, nhiều công trình giao thông lớn đã, đang và sẽ được khởi công xây dựng, trong đó phải kể đến những tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… hay cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Bên cạnh thành công về hạ tầng, là kết quả rất đáng khích lệ trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, giai đoạn qua, Bộ đã soạn thảo, trình Quốc hội, Chính phủ thông qua nhiều dự án luật, nghị định cũng như thông tư hướng dẫn như Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ… Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm của Chính phủ thực hiện từ năm 2007 cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, tạo bước đột phá trong bảo đảm an toàn giao thông. GTVT Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ để việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trong cả nước và khu vực nhanh hơn, tiện lợi hơn mà còn an toàn hơn.

Nguyễn Đức