Khẳng định vị thế hàng đầu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 19/01/2011
Mục tiêu 12 triệu mét vuông sàn nhà ở
Khu đô thị mới Linh Đàm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư và xây dựng. Ảnh: Trung Kiên
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Hiệp cho biết, Tập đoàn vừa phát động phong trào thi đua đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu hoàn thành 12 triệu mét vuông nhà ở, đóng vai trò điều tiết thị trường bất động sản. Theo ông Nguyễn Hiệp, năm 2010 là năm có nhiều thách thức, song với truyền thống đơn vị Anh hùng, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tổng giá trị SXKD đạt 34,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước; giá trị đầu tư đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 68%, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nhà ở và đô thị, với tổng diện tích sàn nhà hoàn thành 96 vạn mét vuông. Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhiệm vụ chính của Tập đoàn là nhân rộng mô hình khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại đến các địa phương trong cả nước. Cùng với nhà ở có mức giá trung bình sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong 12 triệu mét vuông sàn, Tập đoàn còn tham gia tích cực chương trình phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu diện tích nhà ở xã hội chiếm 10% tổng diện tích sàn nhà ở thực hiện.
Đưa nhiều tổ máy vào phát điện
Ngay từ những ngày đầu năm 2011, cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn Sông Đà đã hăng say lao động, sản xuất trên các công trường, với khẩu hiệu "chất lượng, tiến độ, hiệu quả" nhanh chóng góp dòng điện cho Tổ quốc. Là lực lượng chủ công xây dựng các nhà máy điện, năm 2010, tập đoàn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, tiến độ, bảo đảm chất lượng xây lắp các công trình trọng điểm, như Thủy điện Sơn La, Bản Vẽ, Bản Chát, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2... Đặc biệt, tập đoàn hoàn thành xây lắp và phát điện 2 tổ máy Thủy điện Bản Vẽ, tổ máy 2 Thủy điện Pleikrông, tổ máy 3 Thủy điện Sê San 4, tổ máy 1 Thủy điện Sơn La và tua bin khí số 1 Nhiệt điện Nhơn Trạch 2... đưa giá trị xây lắp đạt 102% kế hoạch năm. Với kế hoạch thực hiện 35.100 tỷ đồng giá trị xây lắp, chiếm 51% tổng giá trị SXKD năm 2011, chỉ tính riêng các tổ máy tập đoàn sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm nay cũng đã lên đến hàng chục. Đáng kể như tổ máy 2, 3, 4 Thủy điện Sơn La (vào các tháng 4-8-12/2011), tổ máy 1 Nậm Chiến, tổ máy 1 Xêkaman 3, Bắc Hà trong tháng 12-2011, Thủy điện Hương Sơn, Ngòi Hút trong quý I năm 2011, Thủy điện Sử Pán 2, Nậm Khánh trong quý II năm 2011, Trà Xom quý III năm 2011, tổ máy 2-3 nhiệt điện Nhơn Trạch 2 vào tháng 4 và 10-2011. Riêng công trình thủy điện Lai Châu do Tập đoàn làm tổng thầu, các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành đổ bê tông kênh, cống dẫn dòng để ngăn sông vào đầu năm 2012 theo kế hoạch tiến độ.
Vừa sản xuất, vừa điều tiết thị trường
Với vai trò là DN sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2011 là năm quan trọng của giai đoạn 2011-2015, vì vậy toàn Tổng Công ty đã phát động phong trào thi đua hoàn thành mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đột phá với sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện môi trường; bảo đảm tăng trưởng 15-20%. Cụ thể, Viglacera sẽ hình thành cụm công nghiệp sản xuất kính chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng tại Vũng Tàu; tăng sản lượng gạch granite lên 10 triệu mét vuông/năm; nâng năng lực sản xuất gạch bê tông khí từ 100 nghìn mét khối lên 200 nghìn mét khối/năm và tiếp tục đầu tư nâng công suất lên 1 triệu mét khối/năm vào năm 2015 để thay thế dần gạch xây bằng đất nung. Đồng thời, Viglacera dự kiến khởi công 8 dự án khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở, với mục tiêu năm 2011 thực hiện 251.000m2 nhà ở, trong đó nhà ở xã hội chiếm khoảng 10.000m2. Ông Tuấn cho biết, năm 2011 Viglacera sẽ đạt 10.000 tỷ đồng giá trị SXKD, xuất khẩu 31 triệu USD sản phẩm các loại.
Mặc dù hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) còn giữ trọng trách dẫn dắt, bình ổn thị trường của mặt hàng chiến lược đối với nền kinh tế quốc gia. Đây là thách thức không nhỏ bởi ngày càng nhiều DN, thành phần kinh tế cùng tham gia. Thị trường chuyển từ chỗ cung - cầu cân đối sang cung vượt cầu. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào và các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng dầu liên tục tăng làm cho chi phí giá thành bị đẩy lên cao nhưng DN vẫn phải giữ ổn định giá bán. Vicem phải chuyển từ mô hình tiêu thụ sang mô hình nhà phân phối để tận dụng năng lực tiêu thụ của toàn xã hội. Đồng thời điều chỉnh cơ chế giá bán phù hợp, thống nhất giá đầu nguồn, áp dụng khuyến mãi kích thích và điều tiết thị trường. Một số DN đã khai thác thị trường nước ngoài, mặc dù sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng có thể sẵn sàng ứng phó trong điều kiện cung vượt cầu. Với hàng loạt dự án mới đi vào hoạt động, năm 2011 năng lực cung ứng cho thị trường của Vicem tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Vì thế, mục tiêu của Vicem là tạo lập ngành công nghiệp xi măng và các sản phẩm từ xi măng... tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trong ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.