Lợi thế và thách thức
Kinh tế - Ngày đăng : 07:49, 19/01/2011
Vượt 77,3% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng lần thứ X đề ra
Sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa. Ảnh: Huy Hùng
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản đã thu nhiều thành quả to lớn, là tiền đề nâng cao thu nhập cho khoảng 70% dân số khu vực nông thôn. Đáng chú ý là tổng kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2006, nước ta xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD thì đến năm 2010 đã đạt tới 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,8% so với năm 2009 và vượt 77,3% so với mục tiêu Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra (tăng bình quân 17%/năm). Đáng mừng là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và thay đổi về cơ cấu thị trường theo hướng có lợi.
Ấn tượng nhất trong số các mặt hàng nông sản thời gian qua và nổi bật trong năm 2010 là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu... Trong số 18 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của cả nước, ngành nông nghiệp chiếm tới 6 mặt hàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 3,63 tỷ USD; gạo 3,2 tỷ USD; cao su 2,3 tỷ USD; cà phê 1,76 tỷ USD và hạt điều 1,1 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì, phát triển ổn định trong hoàn cảnh hiện nay, nông sản Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức. Trước mắt là sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những diễn biến gần đây về khủng hoảng nợ của một số nước châu Âu sẽ tác động bất lợi đến xuất khẩu nông sản. Đáng lo ngại hơn khi thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản thương mại. Việc cá tra, tôm, cá rô phi Việt Nam bị đưa vào "danh sách đỏ" ở một số nước châu Âu, tôm tiếp tục bị áp thuế bán phá giá tại Mỹ… trong năm 2010 là những minh chứng rõ ràng cho cảnh báo này. Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2010, theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vẫn có thể áp dụng các loại trợ cấp mang tính chất khuyến nông, trợ cấp phục vụ phát triển nông nghiệp, do đó nông sản xuất khẩu có lợi thế về giá. Tuy nhiên, những biện pháp bảo hộ, trợ cấp này hầu hết sẽ bị bãi bỏ từ năm 2011. Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, việc mở cửa hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ diễn ra sự cạnh tranh rất gay gắt và quyết liệt, mà trong cuộc chiến này, Việt Nam không tự xây dựng chiến lược nâng sức cạnh tranh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thương trường sẽ gặp nhiều khó khăn và thua thiệt.
Đưa nông sản "vượt" đại dương
Những năm tới, gạo, cà phê, tiêu, điều, cá tra - ba sa, tôm... tiếp tục là những nông sản giữ vị trí quan trọng cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung bên cạnh các sản phẩm triển vọng từ ngành lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2015, xuất khẩu nông sản đạt 22 tỷ USD, riêng năm 2011 là 19 tỷ USD. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao (từ 3,5% đến 3,8%/năm) để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, kiềm chế lạm phát, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sức cạnh tranh. Trong đó, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó. Theo đó, năm 2011 hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước; 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP... Đối với thủy sản, sẽ tập trung quản lý chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; mở rộng chế biến, xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để đạt được kim ngạch xuất khẩu nông sản cao hơn nữa, cần hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng và quản lý chất lượng nông sản hàng hóa, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, tích cực thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao để kinh tế Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường.