Gia tăng bạo lực học đường: Nguyên nhân từ nhiều phía
Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 19/01/2011
Tuy nhiên, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh cho rằng cần phải có cái nhìn đa chiều, đầy đủ hơn những yếu tố đã và đang trực tiếp tác động đến sự hình thành và phát triển tâm, sinh lý của trẻ.
Học sinh cần được giáo dục, rèn luyện để phát triển toàn diện cả về học lực và đạo đức. Ảnh: Internet |
Cô Nguyễn Lan Anh (giáo viên tiểu học):
Trẻ chịu sự tác động của cả môi trường học tập và môi trường sống
Một đứa trẻ lớn lên phải có sự nhận thức đầy đủ và cân bằng ở cả hai môi trường: môi trường học tập và môi trường sống. Chúng ta không thể coi nhẹ bất cứ sự tác động của môi trường nào tới tâm, sinh lý của trẻ. Nếu trẻ được học tập ở những ngôi trường, những tập thể lớp mà cô giáo có cách hành xử chuẩn mực, không dùng biện pháp giáo dục roi vọt, bạn bè đoàn kết, quan tâm và sẻ chia; được sống trong gia đình bố mẹ, anh chị em hòa thuận; ra ngõ, đường phố không phải nghe những lời nói thô tục thì chắc chắn đứa trẻ đó hạn chế được tối đa xu hướng bạo lực khi trưởng thành. Và khi đó, game online thực sự chỉ là một phương tiện giải trí đơn thuần, không thể có tác động bạo lực đối với trẻ.
Cô Phạm Ngọc Uyển (giáo viên THCS):
Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh lỏng lẻo
Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục và quản lý học sinh là mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Sau gần ba mươi năm đứng lớp, tôi nhận thấy mối liên hệ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường ngày càng lỏng lẻo. Trước đây việc PHHS đến gặp gỡ, thăm hỏi giáo viên, qua đó nắm bắt tình hình của con tại trường khá phổ biến và thoải mái. Song, những năm gần đây, có lẽ do e ngại hai chữ "tiêu cực" nên việc tiếp xúc trực tiếp giữa PHHS và giáo viên cũng hạn chế nhiều. Về phía PHHS thì có định kiến là giáo viên trù dập, chê bai con em mình để chèo kéo quà cáp, gây khó dễ cho gia đình học sinh. Về phía giáo viên cũng có tâm lý né tránh. Tôi đã từng chứng kiến một cô giáo trẻ mới vào nghề khi liên lạc với PHHS thì bị phản ánh ngược lại là tìm cách "moi" tiền của gia đình học sinh. Từ đó, cô giáo trẻ này chỉ tiếp xúc với PHHS qua các cuộc họp PHHS theo quy định. Đây chính là hậu quả của cả một quá trình dài chúng ta để cho các hiện tượng tiêu cực nảy sinh và phát triển trong môi trường giáo dục.
Cô Phạm Minh Toàn (giáo viên THPT):
Những cá nhân tiêu cực làm xấu ngành giáo dục, giảm sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên...
Học sinh THPT những năm gần đây thường có thái độ ít tôn trọng thầy, cô giáo hơn trước kia rất nhiều. Từ góc độ nhà giáo dục, chúng ta cũng phải nhận lỗi, sở dĩ các em có thái độ như vậy vì chính trong đội ngũ giáo viên cũng có những cá nhân tha hóa về đạo đức, lối sống, thậm chí tìm cách làm kinh tế bất minh từ nghề nghiệp của mình như gây khó dễ cho học sinh, "dìm" điểm, đánh giá sai lệch năng lực của học sinh để ép học sinh học thêm. Hoặc cũng có giáo viên "bán" điểm qua mỗi kỳ thi... Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, là những khoảng mờ làm xấu đi bức tranh chung của ngành giáo dục. Quan trọng là từ cấp quản lý ngành giáo dục - đào tạo phải có biện pháp sàng lọc, xử lý thật nghiêm và loại bỏ những cá nhân này để xây dựng lại hình ảnh đáng kính trọng của các thầy, cô giáo, qua đó giáo viên mới có thể làm tròn bổn phận của mình: dạy kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh.
Phan Thị Hoàng Anh (PHHS, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy):
Đổ lỗi cho game online là phiến diện...
Nếu đỗ lỗi cho game online về tình trạng bạo lực học đường, qua đó cấm loại hình kinh doanh này thì quá phiến diện. Đây là một loại hình dịch vụ giải trí và kinh doanh tất yếu phải phát triển song song với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế khác. Điều cơ bản là chúng ta phải kiểm soát con em mình như thế nào, giáo dục và hướng dẫn như thế nào để chúng có khả năng tự lựa chọn cho mình những hình thức vui chơi giải trí bổ ích. Hơn nữa, game online là một yếu tố bên ngoài nhà trường trong khi những mối liên hệ giữa thầy và trò, giữa những người bạn học ngày càng lỏng lẻo, giảm sự mật thiết trong sáng vốn có. Chúng ta phải đánh giá nguyên nhân từ mối quan hệ của trẻ với nhà trường, giáo viên và gia đình, môi trường xã hội... Đây mới là những yếu tố tác động chủ yếu, trực tiếp, có tính ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ và là vấn đề ngành giáo dục cần phải làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp củng cố lại.