Bề rộng và chiều sâu

Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 19/01/2011

(HNM) - Nghị quyết TƯ 5, khóa VIII (ngày 16-7-1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là văn kiện chuyên đề về văn hóa mang tính chiến lược của Đảng, hợp lòng dân, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 12 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết đã có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện rõ nhất qua kết quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TD ĐKXD ĐSVH) trên phạm vi cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Trong những năm qua, việc phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam đã lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ảnh: Linh Tâm

Những cách làm hay

"Khởi động" từ năm 1995, nhưng phải đến năm 2000, phong trào TD ĐKXD ĐSVH mới trở thành cuộc vận động lớn, diễn ra trên phạm vi cả nước. Kể từ đó đến nay, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo để triển khai các nội dung của phong trào cho phù hợp với thực tế của địa phương mình. Điển hình như Thủ đô Hà Nội với Chương trình 08 (năm 2006) của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Chương trình gồm các tiêu chí cơ bản như: "Yêu nước, sống có trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có lối sống và nếp sống trong sạch, lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong phát triển kinh tế thị trường..." đã được các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Cụ thể là quận Hoàn Kiếm đã triển khai đề án: "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ"; phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy xây dựng "Văn hóa giao tiếp nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp"; Hội Nông dân thành phố vận động hội viên thực hiện tiêu chí "Người nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại"; quận Hà Đông yêu cầu các hộ dân sinh sống trên địa bàn tổ chức cưới theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm, không quá 40 mâm/đám; huyện Đông Anh khuyến khích việc đưa di hài người chết đi hỏa táng…

Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam lại giữ bản sắc bằng cách để nhân dân thực sự là chủ thể của lễ hội, không "hành chính hóa lễ hội". Còn ở tỉnh Hà Giang, trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp, nên đã chú trọng tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của phong trào TD ĐKXD ĐSVH trên hệ thống truyền thanh thôn, bản.

Những kết quả có thực

Một trong những mục tiêu của phong trào TD ĐKXD ĐSVH là xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Có thể khẳng định, đến thời điểm này mục tiêu trên đã phần nào trở thành hiện thực, được thể hiện qua những kết quả cụ thể ở nhiều ngành, nhiều địa phương.

Nếu như năm 2001, tỉnh Thái Bình mới chỉ có 265.000/501.000 hộ đạt chuẩn "gia đình văn hóa" (52,9%) thì đến 2010 đã lên tới 75%. Trong 10 năm qua, Thái Bình cũng đã công nhận cho 850 lượt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (45%); 1.226 lượt cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đơn vị được công nhận "Đơn vị văn hóa"... Tỷ lệ hộ nghèo của các làng văn hóa ở Thái Bình chỉ còn dưới một con số, không có hộ đói, hộ giàu ngày càng tăng. Ngay ở tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, đến năm 2010 cũng đã thành lập được 11 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp, 1.577 đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Riêng huyện Bắc Quang, 23/23 xã đã có nhà văn hóa, trong đó Nhà nước cấp 1/3 kinh phí, còn lại nhân dân đóng góp sức lao động và hiện vật.

Kết quả phong trào TD ĐKXD ĐSVH còn được thể hiện sinh động hơn ở Thủ đô Hà Nội. Đến nay, tỷ lệ hộ đạt "chuẩn gia đình văn hóa" ở Hà Nội là 82,8%; tỷ lệ làng đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa là 51,1%; tổ dân phố văn hóa là 63,9%... Đặc biệt, thực hiện mô hình cưới theo nếp sống văn minh ở quận Hà Đông đã có gần 80% số đám cưới trên địa bàn được tổ chức đúng quy định. Mô hình đưa di hài người chết đi hỏa táng nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm vệ sinh, môi trường ở huyện Đông Anh đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác...

Thắt chặt tình đoàn kết xóm làng

Do nhiều nguyên nhân, từ năm 2000 trở về trước, người dân thường tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nhà dân hoặc trong các khu di tích, thiếu thốn phương tiện, hiệu quả không cao, song từ khi triển khai phong trào TD ĐKXD ĐSVH đến nay, phần lớn các địa phương đã có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần thắt chặt tình đoàn kết xóm làng. Kết quả thống kê của Bộ VH,TT&DL cho thấy: năm 2010 có 70% số làng, thôn, ấp, bản; 80% xã, phường, thị trấn; 80% quận, huyện, thị xã; 90% tỉnh, thành phố có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn đã chứng minh điều này. Đáng nói hơn, nhiều thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa như: Ðầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa (thành phố Hồ Chí Minh), khu Lạc Cảnh Ðại Nam (Bình Dương), Công viên nước Hồ Tây, Công viên Vầng Trăng, Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội)… cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Hơn thế, con số thống kê của Bộ VH,TT&DL còn cho thấy: Trung bình mỗi năm, một trung tâm văn hóa cấp tỉnh và huyện tổ chức được gần 70 buổi sinh hoạt tại chỗ, gần 50 buổi lưu động, 20 buổi có tính phối hợp với trên 5 vạn lượt người tham gia; một nhà văn hóa cấp xã, thôn cũng tổ chức được trên 30 buổi họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Thực tế trên cho thấy, hiệu quả của phong trào TD ĐKXD ĐSVH luôn tỷ lệ thuận với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền các địa phương. Ví như ở tỉnh Vĩnh Phúc, HĐND đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; thành phố Hà Nội đã dành nguồn ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động này... Bởi vậy, nói như ông Trần Văn Quang, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc thì ý Đảng đã hóa lòng dân trong suốt 10 năm thực hiện phong trào TD ĐKXD ĐSVH ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung. Điều đó góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết TƯ 5, khóa VIII đã đề ra.

Minh Ngọc