Israel: Chia cắt để ổn định
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 19/01/2011
Thế nhưng, sự phân tách gây chấn động này không là một thảm họa đối với chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu như nhiều người lo ngại. Ngược lại, đây được xem như nước cờ khôn ngoan nhằm dẹp yên những tranh cãi không ngớt trong nội bộ chính quyền Do Thái xoay quanh chủ đề nóng bỏng là tiến trình hòa bình Trung Đông.
Xây dựng các khu định cư tại Đông Jerusalem của Israel là nguyên nhân khiến hòa đàm Trung Đông lâm vào ngõ cụt. |
Trong bối cảnh đàm phán với người Palestine ngưng trệ suốt hơn 3 tháng nay, ông Barak trên vai trò Chủ tịch Công đảng đã chịu áp lực trước những lời kêu gọi rút khỏi liên minh cầm quyền của nhiều thành viên. Họ cho rằng chính sách cứng rắn của Thủ tướng B.Netanyahu là tác nhân dẫn tới sự bế tắc của những nỗ lực nhằm vãn hồi hòa bình. Do vậy, quyết định lập chính đảng mới theo đường lối trung dung, dân chủ và tư tưởng phục quốc Do Thái của ông Barak sẽ xoa dịu những chỉ trích về việc đã ủng hộ người đứng đầu chính phủ Israel trong vấn đề Palestine. Động thái của vị Bộ trưởng Quốc phòng quyền lực được nhìn nhận là chiến thuật lợi cả đôi đường khi có thể ngăn chặn sự lan rộng của những vết rạn nứt có nguy cơ đe dọa tới sự ổn định của quốc gia Do Thái, song vẫn không tổn hại đến sự tồn tại của chính phủ đương nhiệm.
Trên thực tế, dù có tới 8 nghị sĩ đồng loạt rút khỏi liên minh cầm quyền, nhưng về tổng thể, liên minh vẫn giữ 66 trong số 120 ghế tại quốc hội, có nghĩa vẫn là lực lượng chiếm đa số. Ngoài ra, việc đồng minh thân cận Barak vẫn tiếp tục giữ vị trí tư lệnh tối cao của quân đội Israel và cùng 4 nghị sĩ trung thành khác ở lại chính phủ đã loại bỏ nhiều lời đồn thổi rằng đã có hố sâu ngăn cách về tư tưởng giữa hai người bạn vong niên này.
Với chiến lược chia cắt để ổn định được Thủ tướng B.Netanyahu hoan nghênh như là một biện pháp làm Israel mạnh mẽ hơn, một chính quyền Do Thái có khuynh hướng nghiêng sang cánh tả được nhiều người tin rằng sẽ tạo sự khởi đầu mới cho hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, lập trường chưa hề thay đổi của ông B.Netanyahu trong đàm phán cho thấy có lẽ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự chuyển giao này. Sự ra đời của đảng "Độc lập" vẫn trong liên minh cầm quyền chắc chắn không thể thay đổi nội dung những yêu cầu từng khiến các cuộc thương lượng hòa bình kéo dài 20 năm qua thất bại. Khẳng định ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập, Thủ tướng B.Netanyahu lại vẫn nhất nhất khẳng định mục tiêu đó phải là một nhà nước phi quân sự, Palestine phải thừa nhận Israel là một nhà nước Do Thái và Jerusalem là phần lãnh thổ không thể chia cắt của Israel. Bảo vệ quan điểm đó, Tel Aviv không ngại bác bỏ mọi lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, kể cả người bảo trợ Mỹ để mở rộng xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Trong khi đó, Palestine coi việc Israel ngừng kế hoạch định cư là điều kiện không thể nhân nhượng để trở lại bàn đàm phán.
Mặc dù chưa hề hấn gì sau biến cố chính trị vừa diễn ra, nhưng chắc chắn sự ly khai này không phải là dấu hiệu tốt cho chính phủ của Thủ tướng B.Netanyahu. Chiến lược giải quyết bất ổn bằng chia tách có thể là biện pháp nhất thời làm lắng dịu bất mãn nhưng chắc rằng không thể gạt bỏ những mâu thuẫn vẫn tiềm ẩn trong nội các Israel khi nguyên nhân của nó vẫn chưa có cách gì hóa giải.
Ngày 18-1, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã lần đầu tiên thăm chính thức Palestine nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Cùng phái đoàn gồm 600 thành viên, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử với vị thế của Palestine tại các cuộc thương lượng. Tổng thống D.Medvedev sẽ hội đàm với Tổng thống Mahmud Abbas về một hội nghị quốc tế về Trung Đông tại Mátxcơva và khả năng khôi phục khối đoàn kết Palestine... Trong chuyến công du Trung Đông này, Tổng thống D.Medvedev sẽ tới Jordani hội đàm với Quốc vương Abdulla về các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình cho Trung Đông trong khuôn khổ "Bộ tứ" (gồm: Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) trên cơ sở đối thoại và tìm kiếm giải pháp chính trị. Chuyến thăm diễn ra trước cuộc họp của "Bộ tứ" bên lề Hội nghị an ninh ở Munich vào tháng tới, với hy vọng thúc đẩy đàm phán về hòa bình Trung Đông đang bị bế tắc. |