Làm giàu ở đồng trũng Ứng Hòa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 19/01/2011
Đồng trũng lên ngôi
Phó Bí thư xã Trung Tú (Ứng Hòa) Quách Văn Mạng cho rằng, theo dõi cả một quá trình vận động, phát triển của vùng đất canh tác đầy khó khăn này mới thấy hết sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng. Sự thay đổi ở vùng trũng này không chỉ về vóc dáng, sự bung ra của những mô hình, mà quan trọng là các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đã mang đến cho nông dân cuộc sống ấm no. Cũng đồng đất ấy, cũng những con người ấy, nhưng khi cơ chế thay đổi, trí tuệ, óc sáng tạo của họ được phát triển thì cuộc sống đã thật sự đổi thay.
Chăm sóc cây rau tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thái Hiền |
Hiện thực trước mắt khiến chúng tôi quyết định xắn quần, lội xuống ruộng nước buốt giá để cảm nhận sự đổi thay về nông nghiệp, nông thôn của nông dân. Bì bõm cùng Phó Bí thư xã Trung Tú ra khu chuyển đổi, câu chuyện ông kể đan xen quá khứ, hiện tại về mảnh đất Trung Tú thuộc khu Cháy anh hùng khiến chúng tôi quên đi cái lạnh. Với diện tích đất canh tác hơn 400ha, mảnh đất có lịch sử lâu đời làm nông nghiệp, "chiêm khê, mùa thối", luôn nghèo và thiếu thốn giờ đã lùi vào quá khứ. Đến thăm trang trại của anh Ngô Hải Đăng, thôn Thanh Hội, xã Trung Tú, một trong những hộ NTTS lớn của xã đúng dịp gia đình đang thu hoạch cá. Hỏi thăm anh về một năm làm ăn phát đạt, anh cười tâm sự, muốn biết đời sống của nông dân vùng trũng Ứng Hòa ra sao, chỉ cần đảo qua các chợ quê là rõ. Đi rồi mới thấy, câu nói ấy thật đúng vô cùng. Chợ Cháy cũng như vô vàn những chợ đình, chợ xóm của mỗi làng, mỗi xã bây giờ không phải chỉ có cá lẹp, tép riu mà cá hàng thuyền, tôm hàng rổ, thịt vài phản. Nếu dân không có tiền, những mặt hàng ấy bày bán cho ai?
Ông Lê Văn Tín, Chủ nhiệm HTX kiêm Bí thư chi bộ HTX Ngọc Động xã Phương Tú, một trong những địa phương đầu tiên thực hiện dồn điền đổi thửa ở khu vực Đồng bằng sông Hồng cho hay, nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng đất "hoang hóa", đã tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu. Trên các cánh đồng trũng trước kia cấy lúa 1 vụ cũng bấp bênh nay bà con không chỉ nuôi các loại cá truyền thống mà còn nuôi con đặc sản như ba ba, ếch, cá sấu. Trước đây, Ngọc Động là làng thuần nông, nghèo nhất huyện, giờ đã trở thành mô hình phát, triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đạt hiệu quả cao, đồng ruộng quy hoạch tốt, nhiều công đoạn được cơ giới hóa.
Đột phá từ nông nghiệp
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho rằng, là một huyện còn nhiều khó khăn, Ứng Hòa đã chọn hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khơi dậy nguồn nội lực. Toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 2.250ha, hình thành hơn 100 trang trại, vườn trại nuôi trồng thủy sản, sản xuất đa canh lúa - cá - vịt. Trong đó, có 44 dự án diện tích khoảng 1.100ha chuyển đổi, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 13 tỷ đồng. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả như dự án nuôi thủy sản bán công nghiệp tại xã Phương Tú. Ngoài thả cá, các hộ dân ở đây còn tận dụng mặt nước nuôi vịt và lợn… cho giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/héc ta.
Ứng Hòa là một trong những huyện đi đầu trong việc chuyển dần từ chăn nuôi tự phát sang phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, trong đó đàn lợn, trâu, bò duy trì đều đặn khoảng 80.000 con, gia cầm trên 1 triệu con. Để tạo đà cho chăn nuôi phát triển, huyện đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về mặt bằng, nguồn vốn vay… đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến phương thức chăn nuôi mới, công nghiệp và bán công nghiệp, khuyến khích xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Trong vụ xuân 2011, huyện triển khai chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao ở 5 xã, quy mô 500-1.000ha; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản Đồng Tân, Trung Tú quy mô 232 ha và mở rộng khu chăn nuôi xa khu dân cư tại xã Vạn Thái… Hiện nay, 80% đường liên xã, 76% đường liên thôn và 12% đường trục chính ra đồng đã được kiên cố hóa; 89,7% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nông thôn được dùng nước bảo đảm vệ sinh đạt 92%; cơ bản xóa xong phòng học tạm, phòng học xuống cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12%….
Dẫu vẫn còn đó những vất vả của nghề nông, vẫn phải dầm mình dưới đầm cá khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, vẫn lấm lem bùn đất đánh vật cùng chiếc máy cày cải tiến khi chiêm, mùa tới… Đó là cái "nghiệp" muôn đời của những con người một đời gắn mình với đất, nhưng nông dân Ứng Hòa giờ không thiếu những ông chủ lái xe đẹp, điện thoại di động đổ chuông liên hồi để bàn chuyện làm ăn. Giờ thì việc hàng dãy dài xe tải chờ lấy cá khi thu hoạch, hàng chục chiếc khác chờ nhập gạo từ những cửa hàng xay xát chở gạo ùn ùn đi muôn nơi không còn là chuyện hiếm. Nông dân Ứng Hòa đã thực sự làm giàu từ đồng ruộng quê nhà.