Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng – cần nâng cao trách nhiệm từ phía DN

Kinh tế - Ngày đăng : 16:06, 18/01/2011

(HNMO) - Khi nước ta hội nhập càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đời sống nhân dân được cải thiện thì việc bảo vệ người tiêu dùng cần được đẩy mạnh để phù hợp tình hình mới. Theo đó, việc đảm bảo chất lượng đồng bộ sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm chính của doanh nghiệp.


Theo số liệu mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Trung ương, năm 2010, Hội đã tiếp nhận và xử lý 116 vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và Văn phòng Hội tại TPHCM cũng đã xử lý 142 vụ. Những ý kiến phản bác của người tiêu dùng đã được ghi nhận và phản hồi. Hầu hết các vụ việc đều xoay quanh vấn nạn hàng nhái, hàng giả, sử dụng sai yêu cầu sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng bộ dẫn đến người tiêu dùng không hiểu rõ và bị thiệt hại nhiều về quyền lợi. Số lượng khiếu kiện năm 2010 có gia tăng hơn so với năm ngoái.



Tiêu hủy hàng giả.

Do đó, người tiêu dùng cần được các cơ quan chức năng quan tâm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Khá nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến vấn nạn này nhiều lần. Để tổng kết lại và giúp người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi chính đáng của mình, Hội thảo “Giữ vững cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức vào đầu tháng 1/2011 đã trích dẫn về Luật Bảo vệ Người tiêu dùng bao gồm khá nhiều nội dung trong đó đặt nặng trách nhiệm cho vai trò của nhà sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quang Thiệp, Câu lạc bộ Chống hàng giả: Chống hàng giả và bảo vệ sở hữu trí tuệ không những là công việc thiết thực nhằm bảo vệ uy tín mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên phía trên chỉ là ý kiến của dư luận và các nhà quản lý. Đứng dưới góc độ của một nhà sản xuất, đại diện của một số công ty trong và ngoài nước như đại diện Công ty Kimberly-Clark Việt Nam phản biện rằng ngoài việc thông tin rõ ràng công khai minh bạch về sản phẩm, nhà sản xuất còn phải tạo mọi điều kiện để người tiêu dùng có thể phản hồi nhanh chóng. Song song đó, nhà sản xuất cũng nên tổ chức các hoạt động mà thông qua đó để giáo dục người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm và cách sử dụng một cách chính xác nhất.

Từ những ý kiến trên cho thấy, công tác bảo vệ người tiêu dùng ngoài việc cần được xã hội hóa và có sự tham gia đồng bộ của cơ quan chức năng, người tiêu dùng, thì còn phải thu hút sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp.

L.H