Những nỗ lực trong năm bản lề
Giáo dục - Ngày đăng : 07:52, 18/01/2011
Giờ học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phương An |
Điểm "xuất phát " không cao
Khẳng định những đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước sau hơn hai chục năm đổi mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng giáo dục ĐH đã bảo đảm cơ bản nhân lực trình độ cao cho quá trình CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, mặc dù hơn 90% SV tốt nghiệp ĐH, CĐ có việc làm, nhưng khả năng đáp ứng đòi hỏi của công việc còn hạn chế. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là chất lượng đầu vào của giáo dục ĐH chậm được cải thiện, phương pháp quản lý chất lượng còn lạc hậu.
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục và các trường đã triển khai một số biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2004, Bộ đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, hướng dẫn các trường tự đánh giá chất lượng đào tạo. Các trường cũng được khuyến khích và hỗ trợ để liên kết với các trường nước ngoài đào tạo theo phương pháp tiên tiến, tăng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Để "sản phẩm" đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tế, Bộ đã triển khai chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội bằng các hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực cho các ngành chủ lực như công nghệ thông tin, đóng tàu, tài chính - ngân hàng, du lịch, chế biến nông sản, y tế. Qua đó, hơn 600 hợp đồng, thỏa thuận đào tạo đã được ký giữa các trường và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2009, học phí ĐH đã tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 240.000 đồng/tháng.
Những giải pháp trên là đúng đắn, song theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chừng ấy vẫn chưa đủ để tạo chuyển biến đáng kể trên diện rộng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể nói, ngành giáo dục bước vào 3 năm đổi mới quản lý ở điểm xuất phát không cao.
Chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng
Nhận thức rõ những yếu kém của hệ thống giáo dục ĐH, lãnh đạo Bộ cùng các trường đã nhất trí: Đổi mới quản lý giáo dục ĐH là khâu đột phá để phát triển toàn diện hệ thống giáo dục ĐH trong 10 năm tới.
Tháng 1-2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012. Tiếp đó, tháng 2-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị về đổi mới quản lý giáo dục ĐH cùng với nhiều yêu cầu, trong đó có việc phát triển quy mô đi đôi với bảo đảm chất lượng và kiên quyết yêu cầu chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo...
Chỉ hai tháng sau khi chỉ thị được ban hành, hàng trăm trường ĐH, CĐ đã tổ chức thảo luận xung quanh vấn đề: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay? Đúc rút về đợt thảo luận này, ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông - Vận tải cho biết, ngoài mục đích thống nhất nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, SV, các trường còn phải đề ra những công việc cần tiến hành trong 3 năm đổi mới quản lý giáo dục. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, muốn có sự đột phá, thì ngoài các biện pháp truyền thống, cần mạnh dạn áp dụng những phương thức tiếp cận khác, cách làm khác để tạo ra các mũi nhọn có khả năng nâng cao chất lượng đào tạo một cách nhanh chóng và bền vững. Cũng từ năm học 2010-2011, hệ thống trường giáo dục nghề nghiệp và CĐ, ĐH trên toàn quốc bắt đầu điều chỉnh học phí theo khung mới của Đề án "Đổi mới tài chính trong giáo dục". Theo đó, việc tăng học phí đi đôi với các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho SV, chính sách miễn giảm học phí.
Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng... đã được xúc tiến xây dựng, ban hành, tạo cơ sở cho các trường thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ phân công, phân cấp mạnh hơn trong việc quản lý các trường ĐH, CĐ. Kết quả là vào tháng 11-2010, Chính phủ đã ban hành một nghị định mang tính đột phá, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ quan Bộ, UBND cấp tỉnh, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện, xã. Việc kiểm tra, xử lý các trường mới thành lập không đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện như cam kết đã được Bộ thực hiện nghiêm khắc. Trong năm 2010, lần đầu tiên có hai trường ĐH phải nhận quyết định tạm ngừng tuyển sinh vì hoạt động kém chất lượng, vi phạm quy chế hoạt động.
Những nỗ lực trong năm qua của ngành giáo dục là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện để giáo dục ĐH đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - "một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững đất nước".