Lo giá hàng mã tăng phi mã, NTD sắm đồ ông Táo sớm
Kinh tế - Ngày đăng : 14:42, 17/01/2011
Nô nức sắm lễ cho "thần bếp"
Nhìn vào các món đồ cúng lễ, có thể đo được nhu cầu và mức sống của người dân. Năm nay, giá cả hàng hóa đều tăng nhưng người dân đã đi sắm đồ cúng ông Công, ông Táo từ rất sớm.
Đồ cúng ông Táo ngoài mũ, quần, áo và cá chép năm nay có thêm cả hia, ngựa, gươm…Theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã: “Có nhiều loại đồ cúng, nhưng khách đa số mua loại lớn vì tâm niệm thành tâm sẽ nhiều tài lộc". Theo đó, một bộ quần áo, mũ ông Công, ông Táo loại lớn giá 120.000 đồng, loại nhỏ là 90.000 đồng (chưa mặc cả). Cũng vào thời điểm gần 22 tháng Chạp năm ngoái, mức giá này lần lượt là 90.000 đồng và 70.000 đồng, chênh lệch khoảng 35%.
Những bó cây vàng giá 50 - 100.000 đồng/cành.
Bên cạnh đồ cúng truyền thống cho các vị thần bếp còn có nhiều mặt hàng phục vụ cho các ngày lễ, cúng trong năm như nhà lầu, xe hơi, điện thoại giá từ 50.000 – 300.000 đồng/món. Nếu mọi năm còn thấy bóng dáng của chiếc xe dream giấy thì năm nay đồ cúng loại hình phương tiện chủ yếu là… ô tô.
Cuối năm, nhu cầu trang trí lại bàn thờ tăng cao, các loại đồ thờ cúng như cây vàng, cây bạc hiện đang rất hút khách. “Mỗi bó 5 cây vàng nhỏ giá 250.000 đồng, bình thường tôi thấy người nào cũng mua cả đôi bó để đặt hai bên bàn thờ”, bác Phùng Đức Dũng (khách mua hàng) chia sẻ.
Đồ cúng ông Công, ông Táo đắt khách.
Nhiều loại mặt hàng trang trí rất bắt mắt như đèn lồng giá từ 70.000 – 120.000 đồng/đèn, chùm pháo giả 75.000 – 360.000 đồng/đôi (tùy kích cỡ), dây treo hình hoa mai, hình thỏi vàng, đôi câu đối có giá từ 50.000 – 135.000 đồng/đôi. Đặc biệt, năm nay nhiều cửa hàng trên phố hàng Mã đính luôn giá vào hàng để người dân tiện mua và cũng đỡ phải mặc cả nhiều.
Giá phổ biến của các loại hàng thờ cúng phục vụ cho ngày lễ ông Công, ông Táo đến đồ trang trí tăng 20 – 35% so với năm ngoái, riêng mặt hàng đèn lồng chỉ tăng giá khoảng 10%.
Hàng nội vẫn yếu thế
Nếu tính riêng đồ để hóa vàng cho ngày lễ ông Công, ông Táo thì những mặt hàng như bộ quần áo, cá chép, tiền… hầu hết sản xuất thủ công từ các làng nghề như Văn Hội (Hà Nội), Đông Hồ và các làng khác ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Nhưng nếu tính cả đồ trang trí cho lễ Tết thì hàng Trung Quốc vẫn thắng thế.
Theo chủ cửa hàng Xuân Mai (25B hàng Mã), năm nay, nhiều mặt hàng như pháo cây giả, pháo treo, đèn lồng chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Phong bì lì xì cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhưng về mẫu mã chưa thực sự thu hút khách hàng.
Các loại đèn lồng to nhỏ với mức giá từ 70.000 - 120.000 đồng/chiếc.
Năm nay, phong bao lì xì đã rất đa dạng về họa tiết vẽ trang trí và dập nổi như cô bé, cậu bé, bông sen, hình mèo và thỏ, trong đó đắt hàng nhất là loại phong bì hình chú mèo cầm thỏi vàng dập nổi giá 10.000 đồng/túi 6 chiếc. Khi được hỏi, nhiều chủ hàng trả lời khác nhau về xuất xứ của loại phong bì này, nhưng trên họa tiết xuất hiện nhiều tiếng Trung nên không ít khách mua hàng đinh ninh đây là sản phảm của Trung Quốc.
Có thể thấy sự hiện diện rõ ràng nhất của hàng “Tàu” ở phố hàng Mã là các loại dây treo trang trí có hình con thỏ, Việt Nam có con mèo đứng thứ 4 trong 12 con giáp, ở Trung Quốc lại là con thỏ.
Chị Lan (chủ một cửa hàng trên phố hàng Mã) cho hay: “Những mặt hàng trang trí thì hàng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế bởi mẫu mã đa dạng lại rẻ và đẹp hơn hàng Việt Nam làm nên hiện nhiều người vẫn chọn hàng Trung Quốc. Chúng tôi là người làm ăn, buôn bán nên mặt hàng nào bán chạy thì nhập về bán thôi chứ không ưu tiên loại hàng nào cả”.
Hiện tại, phố hàng Mã chỉ mới bắt đầu nhộn nhịp khi chiều về, nhưng theo kinh nghiệm của những người bán hàng thì chỉ vài ngày nữa, người dân sẽ đổ dồn về đây để mua sắm đồ lễ, hàng Mã sẽ là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất so với các tuuyến phố khác.