Bước tiến mới của ngành ngoại khoa Việt Nam
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:30, 17/01/2011
Một trong những thầy thuốc giỏi trong lĩnh vực trên là BS-TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nội tiết trung ương, người đã có sáng kiến sử dụng kỹ thuật nội soi để mổ tuyến giáp không để lại sẹo.
Từ học "lỏm" kỹ thuật mổ mở…
Sinh ra và lớn lên tại Xuân Trường (Nam Định), từ nhỏ Trần Ngọc Lương đã ước mơ trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Anh thi đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội, rồi học thêm 3 năm bác sỹ nội trú. 9 năm "dùi mài kinh sử" đã đem lại cho anh kiến thức chuyên môn cơ bản. Ra trường năm 1987, Trần Ngọc Lương về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, rồi được cử sang Pháp, Singapore để học kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng. Chính trong thời gian du học, anh "học lỏm" kỹ thuật mổ mở tuyến giáp của Giáo sư Charle Proye - Chủ tịch Hội Nội tiết thế giới lúc bấy giờ. Về nước, anh mang những kiến thức tiếp thu được để thực hiện kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng ở Bệnh viện Bạch Mai và bước đầu gặt hái được nhiều thành công. Đến tháng 12-2001, BS Trần Ngọc Lương được cử về Bệnh viện Nội tiết trung ương. Khi Khoa Ngoại được thành lập, anh được giao trọng trách trưởng khoa. Đó là lúc Trần Ngọc Lương có "đất" để thực hiện ước mơ được mổ cho những bệnh nhân tuyến giáp bằng kỹ thuật mổ mở. Dần dà, kỹ thuật mà anh "học lỏm" đã được áp dụng thành công với hàng nghìn bệnh nhân.
Bác sỹ TS Trần Ngọc Lương thực hiện một ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bướu cổ. |
Say mê nghiên cứu, TS Lương tự mày mò, tiếp tục hoàn thiện phương pháp mổ mở với mong muốn giảm bớt sự đau đớn và khả năng biến chứng cho bệnh nhân. Và rồi kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp đã ra đời. TS Lương lý giải vì sao anh mê mải với kỹ thuật nội soi tuyến giáp: "Sự ra đời kỹ thuật mổ nội soi đã đưa ngành ngoại khoa nước ta đến những bước tiến mới trong việc điều trị bệnh ở các cơ quan khác nhau như lồng ngực, ổ bụng… Tôi nghĩ, tại sao lại không áp dụng kỹ thuật mổ nội soi trong việc điều trị các bệnh tuyến giáp? Nhìn nhiều bệnh nhân bướu cổ, nhất là những cô gái trẻ phải mổ mở, tôi thấy thương quá, vì sau khi mổ, vết sẹo để lại ở cổ rất xấu". Xin được nói thêm là, số người mắc bướu nhân - một loại bướu cổ thường gặp ở nước ta, chiếm từ 7% đến 10% dân số, trong đó nữ giới mắc bệnh cao gấp 4-7 lần nam giới.
…đến "xuất khẩu" mổ nội soi
Ưu điểm của mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ) nên bệnh nhân không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở cổ điển… Theo TS Lương, tuyến giáp nằm ở cổ không có khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng, vì thế để lấy được các khối u, bác sỹ phải tạo ra được "khoang làm việc" ở vùng cổ. Tuy nhiên, do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến dây thần kinh nói và tuyến cận giáp (tuyến điều hòa canxi trong cơ thể) nên việc mổ cắt tuyến giáp bằng nội soi không đơn giản. Để khắc phục, anh sáng tạo kỹ thuật dùng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da. Việc này đơn giản, dễ làm và khi đã có khoang làm việc thì chuyện "đi" vào tuyến giáp để xử lý thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn.
Để triển khai thành công kỹ thuật này, TS Lương đã phải trải qua không ít khó khăn. Vì đây là một kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, lại do anh tự mày mò từng công đoạn, không học ở đâu, nên áp lực của công việc khá lớn, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Nhưng đến nay, mỗi tuần bệnh viện đã thực hiện hàng chục ca và đã có hơn 1.500 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này mà không xảy ra sai sót, biến chứng. Nỗ lực của TS Lương và các bác sỹ trong khoa đã được đồng nghiệp ở nhiều nước ghi nhận. Và điều đáng nói là kỹ thuật này đã được "xuất ngoại". Danh sách các BS, GS ở một số nước trong khu vực đăng ký sang Bệnh viện Nội tiết trung ương học, chuyển giao kỹ thuật ngày càng dài. Năm 2010, TS Lương đã tham gia giảng bài, mổ thị phạm tại các trường đại học, bệnh viện lớn ở Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia…. Tại Hội nghị Phẫu thuật nội soi khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội vừa qua, TS Lương vinh dự là một trong ba đại biểu mổ trình diễn và được đánh giá rất cao.
Đây là một sáng kiến cải tiến mang tính thực tiễn, cần được áp dụng rộng rãi nhằm góp phần vào việc chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho nhân dân.