Nhảy xa nữ:“Đặc sản” của quá khứ

Thể thao - Ngày đăng : 08:25, 16/01/2011

(HNM) - Điền kinh Việt Nam đang liên tục được nhắc đến bởi những thành tích đầy thuyết phục của những VĐV chạy cự ly trung bình, cự ly ngắn và 10 môn phối hợp. Mươi năm trước, nhảy xa nữ cũng từng là niềm tự hào, nhưng đến bây giờ, thứ


Bùi Nhật Thanh: Ghi dấu ấn và giã từ


VĐV Nhật Thanh.    Ảnh: Dư Hải


Bãi nhảy ba bước tại SVĐ Chi Lăng (Đà Nẵng) chiều 28-12-2010. Cú nhảy thứ 5 của VĐV kỳ cựu Bùi Nhật Thanh (Đà Nẵng) đã để lại dấu ấn cho người hâm mộ. Nhật Thanh không phá kỷ lục quốc gia (13m75 của Nguyễn Bích Vân) nhưng cũng đạt mức 13m69 - thành tích quá ấn tượng với một VĐV 30 tuổi. Nếu so với bảng thành tích đoạt huy chương tại SEA Games 25 thì Nhật Thanh ở vị trí đoạt HCB. Và nếu Nhật Thanh vẫn muốn tham dự SEA Games 26, có lẽ cánh cửa đội tuyển quốc gia vẫn mở với cô.

Tuy nhiên, từ trước ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, Nhật Thanh đã quyết định sẽ nghỉ thi đấu sau khi hoàn thành nhiệm vụ với địa phương. 4 năm trước, lẽ ra Nhật Thanh đã theo học ĐH TDTT nhưng lãnh đạo thể thao thành phố yêu cầu cô tiếp tục luyện tập để chuẩn bị cho ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI. Đã lớn tuổi, chấn thương có thể ập đến bất cứ lúc nào nên vừa tập cô vừa phải "ngóng" gót chân của mình. Vậy mà trước Đại hội 5 tháng, Nhật Thanh vẫn bị chấn thương gót chân trái. Gần 3 tháng sau đó, cô hầu như không tập luyện bằng chân trái nên những thành tích đạt được tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI là nỗ lực vượt bậc. Ở nội dung nhảy xa, dù lớp đàn em đang độ sung sức nhưng Nhật Thanh vẫn dễ dàng đoạt HCV và đến nội dung nhảy ba bước cũng vậy. Chính Nhật Thanh cũng khẳng định sẽ không tiếp tục thi đấu đỉnh cao mà chuyên tâm vào huấn luyện VĐV trẻ. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc nhảy xa nữ sẽ không có cơ hội đoạt huy chương tại SEA Games 26 vào cuối năm nay.

Một thời để nhớ

Cách đây khoảng 10-12 năm, có lẽ Bùi Nhật Thanh sẽ không thể lên ngôi dễ dàng như vậy. Đấy là thời những Phan Thu Lan (Khánh Hòa), Nguyễn Bích Vân (Hà Nội), Hồng Anh (Hải Phòng) và cả Bùi Nhật Thanh cạnh tranh quyết liệt tấm HCV tại các giải vô địch toàn quốc. Nguyễn Bích Vân (Hà Nội) từng ngấp nghé chiếc HCV nhảy 3 bước tại SEA Games 20 và chỉ chịu thua huyền thoại người Philippines E.Muros trong lần nhảy cuối. Phan Thị Thu Lan (Khánh Hòa) nổi tiếng hơn nhờ chiếc HCV nhảy xa tại SEA Games 21 và đó cũng là chiếc HCV nhảy xa nữ duy nhất của Điền kinh Việt Nam từ trước đến nay tại đấu trường khu vực. Kỷ lục quốc gia nhảy xa với 6m57 của Lan đến nay vẫn sừng sững. Ngày ấy, mỗi khi đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games, nhảy xa nữ lại được kỳ vọng, chứ không như những năm gần đây.

Có lúc thịnh cũng phải có lúc suy. Nhảy xa nữ Việt Nam cũng không ngoài quy luật. Có điều, sự thoái trào diễn ra khá nhanh. Nguyễn Bích Vân giã từ hố nhảy vì tuổi tác, còn Phan Thị Thu Lan sau khi đoạt HCV SEA Games 21 đã sa sút phong độ, có lúc thành tích của cô thấp hơn kỷ lục 6m57 đến gần 1m - điều tưởng như không thể xảy ra trong làng thể thao đỉnh cao. Lứa Nhật Thanh, Hồng Anh kế thừa nhưng chưa bao giờ lập được thành tích của Thu Lan hay Bích Vân, để đến bây giờ, những người kế thừa xứng đáng cho Nhật Thanh cũng chưa xuất hiện. Khoảng trắng của nhảy xa nữ vẫn lộ ra mồn một dù danh sách đăng ký tham gia giải vô địch quốc gia khá dài.

Dấu hỏi cho Hà Nội

Khánh Hòa, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những địa phương từng rất mạnh về nhảy xa nữ. Nhưng nếu so về bề dày truyền thống thì Hà Nội là số 1. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhảy xa Hà Nội từng có một Nguyễn Hoàng An rồi Vũ Mộng Thư - những nhà vô địch miền Bắc cũng như vô địch toàn quốc. Sau Vũ Mộng Thư là Nguyễn Thị Nga - từng lập kỷ lục quốc gia với 5m62. Sau Nguyễn Thị Nga là Nguyễn Bích Vân - gương mặt sáng nhất trong lịch sử nhảy xa nữ Hà Nội khi bất bại tại giải vô địch quốc gia trong gần 10 năm, từng đoạt HCB SEA Games. Sau Nguyễn Bích Vân, thể thao Thủ đô còn trình làng một gương mặt khác đầy tiềm năng là Nguyễn Mai Quỳnh. Tiếc rằng Mai Quỳnh không thể theo trọn sự nghiệp đỉnh cao vì nhiều lý do khác nhau. Dù vậy, hoàn toàn có thể tự hào khẳng định, hiếm nơi nào ở nước ta lại có số nhà vô địch, kỷ lục gia nhảy xa nữ nhiều như Hà Nội. Nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa tìm được người kế thừa Nguyễn Mai Quỳnh dù Hà Nội không thiếu VĐV trẻ có khả năng, điều kiện luyện tập.

Vấn đề nằm ở cách sử dụng con người. Những chuyên gia Nga được tin cậy quá mức đã không tạo ra một gương mặt VĐV nữ nào xứng tầm Nguyễn Bích Vân. Giáo án nặng và đương nhiên, chấn thương xảy ra. VĐV không còn khả năng vươn xa bởi quãng thời gian cần tích lũy thể lực, kỹ năng nhiều nhất lại dành để chữa trị, hồi phục chấn thương. Vì vậy coi như nhảy xa nữ Hà Nội mất một lứa VĐV dù từng rất mong trình làng một, hai gương mặt tài năng tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI. Trong khi đó những HLV nội hầu như đứng ngoài cuộc, không có điều kiện thi thố năng lực huấn luyện dù nhiệt huyết, tài năng có thừa. Thực tế điền kinh Việt Nam đã chứng minh rằng, các HLV nội (trong đó có Nguyễn Hoàng An, Hồ Thị Từ Tâm, Dương Đức Thủy, Nguyễn Đình Minh) hoàn toàn có thể đưa VĐV lên đỉnh cao SEA Games hay châu Á.

Gần đây, các HLV nội mới được trao cơ hội dù vẫn phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc. Không phải đợi đến ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, mà từ trước đó, lứa VĐV sinh năm 1994-1995 đã được đầu tư mạnh mẽ với hy vọng sẽ tiếp nối được truyền thống của nhảy xa nữ Hà Nội. Mọi điều kiện để cho ra lò "sản phẩm chất lượng cao" đã có, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào cách làm của những nhà quản lý. Câu hỏi "Bao giờ Điền kinh Hà Nội có một Nguyễn Bích Vân thứ hai?" vẫn còn đó, đầy khắc khoải…

Minh Quang