Nguyễn Thị Hạnh Weigl: “Ước mơ cầm bút như cha”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 16/01/2011

(HNM)- Nhân dịp hồi ký


- Hồi ký "Vòng tròn của Hạnh" do bạn chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh "The Circle of Hạnh" đang nhận được những tình cảm tốt đẹp từ độc giả Việt Nam. Cảm xúc của Hạnh thế nào khi hồi ký này được ra mắt tại quê hương ?


- "Vòng tròn của Hạnh" được đón nhận tại Việt Nam là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi chưa bao giờ mơ trở thành tác giả, nhất là dịch giả hồi ký của cha mình. Tôi hết sức bất ngờ khi được NXB Phụ nữ mời vì tôi đã xa Việt Nam hơn 15 năm, sử dụng tiếng Việt gặp nhiều khó khăn, lại chưa được đào tạo về văn chương, dịch thuật…

- Chắc Hạnh có những kỷ niệm đặc biệt trong quá trình dịch sách?

- Tôi mất khoảng 8 tháng dịch cuốn hồi ký này. Trước đó tôi đã về sống ở Việt Nam một thời gian. Tôi còn nhớ những cuộc trao đổi thẳng thắn và vui vẻ với các biên tập viên của NXB Phụ nữ về cuốn sách, về cuộc sống và về Tết tại Việt Nam.

- Cha của Hạnh, nhà thơ Bruce Weigl có vai trò thế nào trong việc gìn giữ tiếng Việt cho Hạnh suốt 15 năm qua cũng như trong quá trình bạn chuyển ngữ tác phẩm này?

- Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu khi nói về cha. Cha tôi đã khó khăn biết bao để bước chân qua chiếc cổng sắt hoen gỉ của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) và đưa tôi về nhà, nâng niu nuôi dưỡng tôi. Vì sợ tôi quên đi tiếng Việt, hằng tuần cha tôi đích thân đưa tôi tới nhà những người bạn Việt là cô Mỹ Anh và chú Giang Nông, rồi bắt tôi nói tiếng mẹ đẻ. Cha còn mời bà Linh, cựu giáo viên văn trường Chu Văn An dạy tôi tiếng Việt. Hồi mới sang Mỹ, cha mua cho tôi một tủ sách rất lớn chứa đầy những cuốn sách tiếng Việt có chữ ký của các tác giả nổi tiếng. Sau này, những người bạn văn chương Việt Nam của cha tôi đã tặng tôi rất nhiều sách vở, thơ, truyện ngắn, truyện cổ tích… Mỗi khi nhớ nhà, tôi đọc sách để giúp mình tìm lại lối về quê hương. Vừa qua, cha cũng luôn động viên, trả lời mọi câu hỏi, giúp tôi hoàn thành bản dịch cuốn hồi ký.

- Vậy còn những khó khăn của Hạnh khi chuyển ngữ tác phẩm?

- Khó khăn lớn nhất, mà tôi nghĩ những dịch giả chuyên nghiệp cũng gặp phải, là làm sao dịch đúng ý, nhưng theo văn phong tiếng Việt. Có những câu trong tiếng Anh nghe rất hay, nhưng đôi lúc dịch sang tiếng Việt thì lại dở, hoặc không có ý nghĩa. Tôi luôn cố gắng để độc giả cảm nhận được không chỉ sự đặc biệt của câu chuyện trong hồi ký, mà còn là sự độc đáo trong giọng kể của tác giả. Khó khăn thứ hai là tôi phải thấu hiểu và chuyển tải những trải nghiệm hết sức đau khổ của cha mình từ thời niên thiếu, trong chiến tranh và những năm tháng sau khi trở về nhà từ chiến trường Việt Nam - quê hương của tôi. Tôi đã nhiều lần rơi lệ! Cha tôi, nhà thơ Bruce Weigl không thường viết về những thứ mờ ảo, mà ông viết về sự thật. Sự thật đó ít ai dám đối diện. Càng dịch, tôi càng thương và tôn trọng cha mình hơn. Trong quá trình đó, tôi cũng hiểu thêm về mẹ, anh trai cùng những hy sinh của họ để tôi có cuộc sống tốt đẹp.

- Hạnh nghĩ mình là người Việt hay người Mỹ? Sắp tới bạn có muốn trở về Việt Nam làm việc không?

- Câu hỏi này rất thú vị nhưng thật khó trả lời. Tôi nghĩ tôi sẽ nói tôi là người Việt mang quốc tịch Mỹ. Tôi đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam suốt 8 năm trời. Về bản chất đời sống tôi là người Việt.

Sắp tới, tôi mơ ước có một công việc ổn định tại Việt Nam để có thể đóng góp một phần nào đó cho đất nước. Tôi cũng muốn noi gương cha, dùng ngòi bút cho công việc giáo dục và giúp đỡ những người khác.

Xin cảm ơn Hạnh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Thị Hạnh Weigl sinh năm 1986 và lớn lên trong một túp lều tranh cùng mẹ tại huyện Bình Lục, Hà Nam. Vì nghèo túng, sức khỏe kém, người mẹ đã buộc phải gửi Hạnh vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi huyện Bình Lục. Năm Hạnh 8 tuổi, gia đình GS Bruce Weigl - nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ đã nhận Hạnh làm con nuôi và đưa cô về Mỹ với lời hứa: "Hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé Việt Nam, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái Việt Nam…". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết "Hạnh đã ra đi khỏi xứ sở của cô và để cuối cùng trở về với xứ sở ấy. Đó là một quá trình của ý thức và tình yêu. Đó thực sự là một chuyến đi mà bất cứ ai, kể cả những người sinh ra, lớn lên và nằm xuống mãi mãi trong chính ngôi nhà của mình cũng vẫn phải đi một vòng tròn như thế (…). Bruce Weigl, với sự thấu hiểu chân lý này và với tình yêu thực sự lớn lao dành cho đứa con gái gốc Việt, đã làm tất cả và đã luôn luôn ở bên Hạnh trong suốt chặng đường dài không dễ dàng để trở về nguồn cội của mình".

Nguyễn Minh