“Áo” đã quá chật

Văn hóa - Ngày đăng : 07:28, 16/01/2011

Kiến nghị không giới hạn số phụ trương quảng cáo đối với báo in, tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình (HNM) - Không phải đến bây giờ, Pháp lệnh Quảng cáo (PLQC) mới bộc lộ bất cập, song nhìn từ cuộc giám sát tình hình thực hiện PLQC ở thành phố Hà Nội của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 14-1 có thể thấy, PLQC ban hành từ năm 2001 đã trở thành


Thiếu thống nhất


Thc hin nghiêm quy hoch qung cáo ngoài tri góp phn làm đp đô th. Ảnh: Trung Kiên


Nhiều năm làm công tác quản lý hoạt động QC, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động QC hiện có nhiều, nhưng thiếu tính thống nhất và chưa phù hợp. Chẳng hạn, tại Điều 5, PLQC nghiêm cấm "sử dụng quốc kỳ"... để QC, trong khi đó tại Điều 3, Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13-3-2003 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành PLQC chỉ nghiêm cấm "Dùng hình ảnh người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam" để QC. Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16-7-2003 của ngành văn hóa hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ lại quy định "không được dùng màu cờ Tổ quốc làm nền cho QC". Cũng tại thông tư này có quy định, "Số trang chuyên QC không vượt quá số trang báo chính và phải đánh số riêng" (điểm c, khoản 1, mục II). Quy định này theo ông Nguyễn Đức Hòa là không phù hợp. Hơn thế, PLQC không nêu rõ khu vực, địa điểm cấm QC; chưa đề cập đến hình thức QC bằng bảng điện tử LED tại các nhà hàng, tòa nhà; chưa có quy định cấm đối với hành vi QC rao vặt trái phép...

Dù đã rõ những bất cập của PLQC, nhưng dự thảo Luật QC được đưa ra lấy ý kiến gần đây vẫn chưa giải quyết được sự bất cập đó. Ví dụ như Điều 24-26 của dự thảo luật quy định: QC trên báo in không được quá 10%, tạp chí không quá 20%, nếu quá số lượng trên phải xin phép ra phụ trương. Với báo điện tử thì không được vượt quá 10% diện tích và chỉ được đặt ở bên phải hoặc bên trái khuôn hình. Dự thảo cũng quy định báo nói, báo hình không QC quá 5% thời lượng phát sóng... Chỉ số khống chế thời lượng, diện tích QC nói trên có thể và cần xem xét lại, bởi phần lớn cơ quan truyền thông hiện nay phải tự hạch toán thu - chi. Nói như bà Nguyễn Thanh Hương, phụ trách QC của báo điện tử VnExpress, thì quy định "QC trên báo điện tử chỉ được đặt một bên khuôn hình" là thiếu tính khoa học, vì mỗi báo điện tử có giao diện khác nhau, hơn nữa diện tích báo điện tử tùy thuộc vào lượng tin, bài nhập hằng ngày, lấy tiêu chí nào để tính được 10% diện tích báo điện tử là bao nhiêu...

Lộn xộn hoạt động quảng cáo

Ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định: Sự thiếu thống nhất và chưa phù hợp diễn biến thực tế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về QC là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lộn xộn hoạt động QC ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Hà Nội đã khắc phục thực trạng đáng buồn bằng việc ban hành quy chế quản lý hoạt động QC và kế hoạch quản lý, tổ chức hoạt động QCRV. Trên cơ sở đó, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống biển QC tấm lớn ngoài trời trên địa bàn, qua đó phát hiện 109 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 451 triệu đồng; buộc tháo dỡ 74 biển sai phép, không phép. Đối với QC băng rôn, cơ quan kiểm tra đã lập biên bản xử phạt 17 trường hợp, tịch thu tiêu hủy gần 6.000 băng rôn, phướn, tờ rơi vi phạm. Đặc biệt, Hà Nội đã ra quân bóc xóa được hơn 30 triệu tờ, hàng vạn mét vuông tường có nội dung QCRV trái phép, đề nghị cắt liên lạc đối với 3.590 thuê bao điện thoại vi phạm.

Mặc dù vậy, thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội cho thấy: đến thời điểm này, thành phố vẫn còn 26 biển QC sai phép đang tồn tại; 39 biển QC trên địa bàn huyện Mê Linh không phù hợp với quy hoạch chung, chưa được thay đổi. QC trên biển hiệu rất tùy tiện, không theo quy định chung. QCRV trái phép nhìn chung đã giảm, song gần đây xuất hiện những "chiêu" QCRV mới trên tường nhà, ổ khóa, đồng hồ điện trước nhà dân cho dù thành phố đã lắp đặt 356 bảng QCRV miễn phí.

"Hà Nội quyết tâm dẹp loạn QC, đã cố gắng rất nhiều mà tình trạng lộn xộn vẫn diễn ra, thì ở những địa phương buông lỏng việc quản lý hoạt động này, sự lộn xộn chắc chắn nhiều hơn gấp bội" - ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.

Bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời?

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật QC đang được xây dựng là xóa bỏ cấp phép QC ngoài trời. Điều này có nghĩa doanh nghiệp có nhu cầu dựng bảng QC sẽ căn cứ vào quy hoạch và tự liên hệ thuê đất để dựng. Nếu doanh nghiệp dựng bảng QC sai quy hoạch thì ngành xây dựng sẽ yêu cầu dỡ bỏ, còn nếu vi phạm về nội dung thì ngành văn hóa sẽ yêu cầu thay đổi. Về vấn đề này, ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói: "Tôi tán thành việc xóa bỏ cấp phép QC ngoài trời vì như vậy sẽ giảm thủ tục phiền hà không đáng có cho doanh nghiệp". Ngược lại, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội phản ứng gay gắt: Không cấp phép đồng nghĩa với việc không cần quản lý, đó là sự phi lý. QC ngoài trời ở Hà Nội hiện nay đang được cấp phép, đang được quản lý mà tình trạng lộn xộn, sai makét, sai nội dung, tranh chấp vị trí QC vẫn diễn ra phổ biến, nếu không cấp phép thì không thể quản lý được.

Qua thực tế giám sát các doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đa số các doanh nghiệp đề nghị nên tiếp tục cấp phép đối với hoạt động QC ngoài trời.

Từ những bất cập trong hoạt động QC, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Luật QC không nên giới hạn số phụ trang QC đối với các cơ quan báo in, cho phép các cơ quan báo in căn cứ vào nhu cầu QC để xin phép xuất bản phụ trương QC; đồng thời nâng mức QC trên truyền hình từ 5% lên từ 10% đến 12% tổng thời lượng chương trình của một ngày phát sóng và không nên dùng tiêu chí thời lượng chương trình để khống chế QC và số lần được QC... Đoàn giám sát cho biết, sẽ nghiên cứu những kiến nghị trên để chỉnh sửa một số nội dung trong dự thảo Luật QC trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hy vọng Luật QC sớm ra đời với khung pháp lý hoàn thiện để hoạt động QC ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đi vào nền nếp.

Minh Ngọc