Chú trọng phát triển bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 16/01/2011

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng với chương trình nghị sự quan trọng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân bày tỏ niềm tin, hy vọng và cả những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội. Báo Hànộimới xin chuyển những tâm tư, nguyện vọng đó tới Đại hội.


Ông Khổng Minh Tuấn (Học viện Cảnh sát nhân dân - phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy):Các chỉ tiêu phát triển KT-XH cần sát với thực tế

Một số yêu cầu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra, chúng ta chưa thực hiện tốt: Giá cả hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đều tăng, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến SX-KD; số lao động qua đào tạo và được bố trí việc làm đạt khoảng 89% so với chỉ tiêu, việc xử lý ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm. Với ngành giáo dục, mục tiêu năm 2010, tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, nhưng thực tế chỉ đạt 97,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học đạt 95%, nhưng thực tế chỉ đạt 88,53%. Tỷ lệ các xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em chỉ đạt 38,4% (mục tiêu 50%), cấp quận, huyện chỉ đạt 47% (mục tiêu 100%)… Những hạn chế trên một phần do công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu, công tác dự báo trong nhiều lĩnh vực còn yếu; năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Tôi hy vọng Đại hội XI sẽ có những chủ trương, chính sách sát thực hơn để việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra sẽ trở thành những điểm sáng cho "bức tranh" kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Oanh (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất): Đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu công nghệ cao

Trong những ngày qua, tôi thường xuyên nghe đài, xem tivi và đọc báo để nắm thông tin về Đại hội XI của Đảng. Tôi rất tâm đắc với bài tham luận của ông Vũ Hồng Khanh (Đoàn Hà Nội). Khi cho rằng, nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng hiện tại, đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hy sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành lại phần rủi ro cho các thế hệ tương lai, cho con cháu chúng ta. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, khiến nền kinh tế của ta tụt hậu và tụt hậu xa hơn. Tham luận của Đoàn Hà Nội cũng kiến nghị chọn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như một đột phá khi thay đổi mô hình tăng trưởng và khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ quốc gia, coi đây là "trục" của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại. Phát triển các khu công nghiệp - công nghệ cao cấp vùng, với hạt nhân là các vườn ươm công nghệ - vườn ươm doanh nghiệp hiện đại, thay thế các khu công nghiệp kiểu cũ, đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí cản trở sự phát triển. Tuy nhiên, là người dân sống ở địa phương có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tôi thấy khu công nghiệp này phát triển quá chậm, đã hơn 10 năm trôi qua mà mới chỉ có một vài doanh nghiệp vào đây đầu tư. Hy vọng rằng, Đại hội lần này sẽ có quyết sách đúng đắn để phát triển các khu công nghệ cao nói chung và Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng.

Ông Kiều Văn Thí (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai):Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy Việt Nam cũng là một trong số nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng ven biển, một phần Đồng bằng sông Cửu Long… sẽ bị ngập nước trong tương lai. Ở quê tôi, con sông Tích vốn rất hiền hòa, sạch sẽ, người dân vẫn sử dụng để tắm, giặt, thậm chí còn sử dụng làm nước sinh hoạt hằng ngày, giờ đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp, nhà máy thi nhau xả nước thải chưa qua xử lý xuống dòng sông, làm cho cá chết hàng loạt. Người dân chúng tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới đây, Đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, không rõ trách nhiệm; đẩy mạnh cơ chế kiểm soát, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tạo động lực phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Tố Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ):Chú trọng phát triển nguồn nhân lực


Nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ các khóa trước rất đúng đắn nhưng khi tổ chức, điều hành thực hiện, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Để tổ chức, điều hành tốt việc thực hiện các nghị quyết thì ngoài việc phải có cơ chế, chính sách đúng đắn, vấn đề quan trọng là cán bộ, nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý phải có đủ tri thức, bản lĩnh, ý chí và phẩm chất, phải có tâm, có tài và có tầm, thiếu một trong những tiêu chuẩn trên thì không những không thực hiện thành công những quyết sách của Đảng đề ra, mà còn gây tổn thất to lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế… Vì vậy, rất mong Đại hội Đảng lần này hết sức quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đưa nền kinh tế của đất nước trở thành nền kinh tế phát triển bền vững trong thập kỷ tới.

Ông Đặng Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Quan tâm, khai thác năng lượng tái tạo

Nguồn năng lượng hóa thạch quý giá của nước ta đang ngày một cạn dần. Để thực hiện mục tiêu "Phát triển bền vững" trong Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 của Đảng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Nhà nước cần quan tâm khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Thời gian qua, một số dự án phát triển năng lượng tái tạo đã được triển khai, song mới chỉ thành công ở một vài lĩnh vực như: thủy điện nhỏ, biogas, điện mặt trời. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất lớn, có khoảng 1.500 - 3.000 giờ nắng/năm; khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s có thể lắp đặt các tuốc bin gió… Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo đúng hướng, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề năng lượng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Ông Dương Việt Phú, Công ty liên doanh Việt Nam - Berjaya: Cần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề…

Năm 2010, nước ta đã trở thành một trong 10 điểm đến an toàn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành tựu này đã giúp ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút được nhiều khách du lịch trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả khả quan hơn nữa, bên cạnh những mục tiêu, chính sách kích cầu du lịch, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn đến vấn đề khai thác tiềm năng du lịch ở các làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại các vùng danh lam thắng cảnh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, văn hóa giao tiếp, ứng xử, để Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hòa bình, thân thiện đối với khách du lịch nước ngoài.

Nhóm PV Ban Bạn đọc