Hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 07:02, 16/01/2011

Xuất phát từ yêu cầu giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển đất nước 2011-2020, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:


1. Đổi mới hệ thống chính trị phải phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở gắn kết hữu cơ giữa đổi mới và phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, cần tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống chính trị nói chung và từng thành viên của hệ thống này nói riêng nhằm thúc đẩy tiếp tục đổi mới kinh tế với trọng tâm là hình thành đầy đủ và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải phóng triệt để sức sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế bằng thế và lực của nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng được tăng cường.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân và cho mọi vùng của đất nước, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế đều phát triển, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo luật định.

Nền kinh tế này cũng còn đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội. Để đáp ứng tốt các yêu cầu của đổi mới kinh tế, cán bộ các cấp của hệ thống chính trị cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sạch, công tâm, đoàn kết, trí tuệ và có tư duy đổi mới một cách khoa học, bảo đảm giữ vững định hướng chính trị của sự đổi mới và phát triển kinh tế, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Yêu cầu phù hợp và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011-2020 đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ, vững chắc hơn theo định hướng thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công và nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới và hiệu quả.

Trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế và tư duy chính trị cần tập trung sức giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và lý luận về đất đai, sở hữu đất đai, thị trường đất đai và bất động sản trên đất; về lao động, thị trường lao động, tiền công, tiền lương và hệ thống an sinh xã hội; về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để tháo gỡ những rào cản của tư duy chính sách kìm hãm sự giải phóng triệt để sức sản xuất và khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất mọi nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Việc đổi mới và phát triển kinh tế phải tạo được cơ sở kinh tế cho sự ổn định kinh tế - xã hội, đồng thuận xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, kết hợp tốt nội lực và ngoại lực, sức mạnh của đất nước với sức mạnh của thời đại thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia để rút ngắn quá trình phát triển hiện đại và theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời cũng cần chủ động, tích cực phòng ngừa và giảm thiểu những tác động xấu của nền kinh tế và chính trị thế giới rất phức tạp, đang thay đổi nhanh và khó dự đoán.

3. Trong quan hệ với đổi mới kinh tế và bảo đảm sự ổn định chính trị để tiến hành đổi mới kinh tế thì đổi mới hệ thống chính trị mà nước ta đã và đang tiến hành không phải là thay đổi hệ thống chính trị đang có bằng một hệ thống chính trị mới khác. Trên cơ sở giữ vững bản chất của chế độ chính trị mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã lựa chọn, thực chất của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là đổi mới và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, thể chế hoạt động của hệ thống chính trị hiện có nói chung và từng thành viên của hệ thống chính trị đó nói riêng nhằm xác định rành mạch, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của cả hệ thống chính trị và của từng thành viên trong hệ thống, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để bảo đảm cơ sở chính trị vững chắc và môi trường chính trị thuận lợi cho đổi mới kinh tế, đồng thời qua đó đáp ứng cao nhất và tốt nhất yêu cầu phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân và các tổ chức do dân thành lập, tự chủ, tự quản, hoạt động theo luật định nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của dân và đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp…

…Để thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giải quyết tốt quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trước hết Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo. Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao trí tuệ, tầm nhìn và tư duy khoa học, từng bước hình thành những quan điểm lý luận chỉ đạo thực tiễn và từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế… chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có.

Nội dung lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược và chính sách phát triển 5 năm và hằng năm của Đảng. Nâng cao nội dung lý luận và thực tiễn của các văn bản này là điều kiện tiên quyết để nội dung lãnh đạo của Đảng được dựa trên những luận cứ khoa học và chỉ có trên cơ sở này, sự cầm quyền của Đảng mới được thực hiện một cách khoa học. Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn và lãnh đạo tốt quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo.

4. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trên cơ sở triệt để công khai, công bằng, công tâm và dân chủ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp và hiện đại, trong sạch, đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn 2011-2020.

Dân chủ, công khai và công bằng trong công tác cán bộ trước hết đang đòi hỏi phải đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo các cấp của hệ thống chính trị. Cần cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ vì phần lớn những tiêu chuẩn này còn dừng lại ở mức độ định tính, chưa phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, cương vị công tác, nhiệm vụ được giao cho từng loại cán bộ, từng cấp cán bộ. Thực hiện cơ chế lựa chọn ứng viên có số dư cho việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Các ứng viên phải trình bày đề án, trả lời các câu hỏi có liên quan. Trên cơ sở đó, những người có thẩm quyền bỏ phiếu đánh giá, lựa chọn.