Đóng góp nhiều giải pháp quan trọng vào văn kiện Đại hội XI của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 07:55, 15/01/2011

(HNM) - Hôm qua 14-1, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên BCT, Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu tham dự ĐH tiếp tục tham luận, đóng góp vào các vấn đề quan trọng của văn kiện, thu hút sự quan tâm của toàn ĐH.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều khiển phiên thảo luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN


Với chủ đề Xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, mở đầu buổi làm việc, thay mặt cho toàn thể CBCNVCLĐ và đoàn viên công đoàn (CĐ) cả nước, phát biểu tham luận của đồng chí Đặng Ngọc Tùng (UVTƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, còn tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết 20 về xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Mặc dù Đảng đã có Nghị quyết về tiếp tục xây dựng GCCN thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, nhưng việc thể chế hóa Nghị quyết thành chính sách, pháp luật chưa được thực hiện. Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, có nơi lương công nhân không đủ để tái tạo sức lao động, nên đời sống vật chất và tinh thần của CNVCLĐ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng một bộ phận CNLĐ có việc làm không ổn định, thời gian làm việc kéo dài và cường độ lao động cao, điều kiện việc làm ít được cải thiện, gây bức xúc trong CNLĐ…

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đã kiến nghị 4 giải pháp với ĐH để xây dựng GCCN Việt Nam vững mạnh, xứng tầm là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nổi lên là, Đảng cần kiên định lập trường GCCN, tăng cường giữ vững bản chất GCCN của Đảng; xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược về GCCN gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH. Sớm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của GCCN.

Trong phần tham luận của mình, với tiêu đề Những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng, GS Lê Hữu Nghĩa, UVTƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã đi sâu vào phân tích, làm sáng rõ những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng, thể hiện trong mục tiêu cần đạt tới là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh thực sự. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 2011) có nhiều điểm mới so với Cương lĩnh năm 1991 đã thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội XHCN, định hướng, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra. Tám đặc trưng của CNXH nêu trong dự thảo Cương lĩnh 2011 bao quát tất cả các lĩnh vực, có quan hệ biện chứng, hợp với quy luật. Đây chính là mục tiêu cao cả của CNXH, là giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Các tham luận của Đại tướng Lê Hồng Anh, UVBCT, Bộ trưởng Bộ Công an về xây dựng lực lượng CAND, bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH trong tình hình mới và tham luận của đồng chí Võ Đức Huy, UVTƯ Đảng, Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ cũng đóng góp vào các văn kiện nhiều ý kiến xác đáng. Trong đó đồng chí Võ Đức Huy kiến nghị bổ sung thêm từ “bảo vệ” vào tên Cương lĩnh 2011, thành “Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Theo đồng chí, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới và càng là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hiện nay.

Với kiến nghị: không bầu vào BCH TƯ những người có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tham luận Một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng của đồng chí Vũ Tiến Chiến, UVTƯ Đảng, Chánh Văn phòng BCĐ TƯ về phòng, chống tham nhũng đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của ĐH.

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội làm việc tại hội trường. Ảnh: Bá Hoạt

Sau khi điểm lại những kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH X của Đảng về PCTN, lãng phí với 1.613 vụ án tham nhũng và 3.284 bị can bị khởi tố; 8 vụ án trọng điểm được chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm các quy định của pháp luật; với tinh thần đánh giá nghiêm túc và thẳng thắn, đồng chí Vũ Tiến Chiến thừa nhận, công tác PCTN nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém; giữa quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn trong công tác PCTN còn có khoảng cách đáng kể… Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội. Đồng chí Vũ Tiến Chiến kiến nghị: Trong nhiệm kỳ tới, không còn con đường nào khác là Đảng cần tiếp tục thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Kiên quyết phấn đấu mục tiêu: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đồng chí Vũ Tiến Chiến kiến nghị, trong tình hình tham nhũng hiện đang diễn ra nghiêm trọng và là một trong những vấn đề quan tâm bức xúc hàng đầu của toàn xã hội, đề nghị Đoàn Chủ tịch ĐH bố trí thời gian để nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác PCTN tại hội trường. Đề nghị ĐH trong việc lựa chọn các ủy viên TƯ kỳ này, ngoài những tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: Không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thằng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”; nếu là do tiêu cực, tham nhũng “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị. Đề nghị BCH TƯ khóa XI tiến hành tổng kết Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) ngay từ năm đầu nhiệm kỳ (năm 2011) để kịp thời điều chỉnh các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN.

Với tham luận Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng chí Trịnh Long Biên, UVTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) TƯ lại kiến nghị ĐH không nên sửa đổi mà giữ nguyên thẩm quyền UBKT các cấp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng. “Đảng ta là đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, mọi lĩnh vực phải được kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm thì càng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có “vùng cấm” trong công tác này” - đồng chí Trịnh Long Biên khẳng định.

Một giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng được PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ trình bày tại ĐH. Đó là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thiết thực Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng chí kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh CVĐ, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về tính chất, mục đích của CVĐ. Gắn thực hiện CVĐ với việc thực hiện Nghị quyết ĐH XI của Đảng, tạo sự chuyển biến trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về ý thức đạo đức phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam những năm tới. Ảnh: Thái Hiền
Các tham luận về: Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH (đại biểu Nguyễn Quốc Cường, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam); Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ (đại biểu Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh); Thực hiện bình đẳng giới (đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam); Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam vững mạnh, từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức (đại biểu Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh (đoàn Quảng Nam); Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên môi truờng (đoàn Đắc Lắc); Phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí (đoàn Kiên Giang); Xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (đoàn Cao Bằng); Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng (đoàn Sóc Trăng)... cũng đóng góp nhiều giải pháp quan trọng cho ĐH trên nhiều lĩnh vực nhằm bổ sung, hoàn thiện các văn kiện trình ĐH XI của Đảng. Đặc biệt, đại biểu TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch đã phát biểu, mạnh dạn đưa ra nhiều suy nghĩ, băn khoăn về quyền sở hữu đất đai, đề nghị ĐH làm rõ, gọi đúng bản chất chủ thể trong sở hữu đất đai, ngăn chặn tình trạng thất thoát đất đai. Theo đại biểu Trần Du Lịch, việc thừa nhận sản xuất hàng hóa, thị trường, từ các kỳ ĐH trước, đã được kiểm nghiệm và là sáng tạo vĩ đại của Đảng ta. Tuy nhiên, mô hình XHCN trong tương lai còn có thị trường và sản xuất hàng hóa hay không, chưa được lý luận làm rõ. Những gì lý luận chưa rõ đề nghị không nên đưa vào văn kiện…

Như vậy, qua các phiên thảo luận, đã có 27 ý kiến tham luận, phát biểu thảo luận về các văn kiện của ĐH, được kết thúc vào chiều 14-1. Hôm nay, 15-1, ĐH tiếp tục làm việc tại hội trường và tại đoàn.

Lệ Hằng - Thái Hà