Hướng đến những vấn đề cấp thiết của cuộc sống
Chính trị - Ngày đăng : 07:32, 15/01/2011
Nhiều kết quả nổi bật
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/06-10, chương trình đã tập trung nghiên cứu vào 12 cụm vấn đề lớn. Cụ thể gồm: Cương lĩnh của Đảng - những vấn đề lý luận và thực tiễn; những vấn đề về thời đại, tình hình thế giới hiện nay và xu hướng trong những năm tới; chính sách đối ngoại; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và hội nhập kinh tế quốc tế; lý luận về xã hội XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, những vấn đề về đại đoàn kết dân tộc; đổi mới và chỉnh đốn Đảng; quan điểm lý luận và giải pháp về phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực...
Trong số những đóng góp chủ yếu của KX.04/06-10 đối với sản xuất, đời sống có thể kể đến một số luận điểm mới về mô hình, mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Về mô hình, bổ sung thêm hai đặc trưng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo... Về hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định dân chủ XHCN là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển đất nước. Bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lợi của nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc...
Đặc biệt, trong nghiên cứu đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị, phần đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, sự phối hợp và kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. KX.04/06-10 cũng nghiên cứu về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; việc "nhất thể hóa" một số chức vụ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; cơ chế và mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng...
Hội tụ trí tuệ tập thể
Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình KX.04/06-10 đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra và 32/32 đề tài nhánh đã được bảo vệ cấp nhà nước, trong đó có 27 đề tài xuất sắc, 5 đề tài khá. Do tính chất quan trọng của các nội dung nghiên cứu, chương trình đã tập hợp, huy động gần 400 nhà khoa học và 44 trường ĐH, 111 viện (hoặc các tổ chức khác) tham gia nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng hoàn thành gần 3.200 bài báo (12 bài đăng trên các tạp chí quốc tế); cung cấp hơn 4.000 trang tài liệu nghiên cứu, hơn 300 trang kiến nghị... KX.04/06-10 tham gia đào tạo 68 tiến sĩ và 83 thạc sĩ khoa học. Nhiều sản phẩm của chương trình đã và đang được xã hội hóa. Nhiều sách tham khảo của các đề tài đã xuất bản được đánh giá cao về nội dung. Nhiều chuyên đề được sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho hệ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở một số trường ĐH lớn: Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát...
Trong dịp tổng kết Chương trình KX.04/06-10 tổ chức trước thềm Đại hội Đảng XI, đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Các đề tài trong chương trình đã bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu, bám sát thực tế trong nước và thế giới đang diễn ra để bổ sung kịp thời những vấn đề cần tập trung, đáp ứng yêu cầu của công tác lý luận và tổng kết thực tiễn. KX.04/06-10 đã nghiên cứu và cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho nhiệm vụ tổng kết lý luận, thực tiễn để bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991; cụ thể hóa Văn kiện Đại hội X của Đảng; soạn thảo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và ra nghị quyết về "tam nông", giai cấp công nhân, trí thức; công tác lý luận của Đảng...
Thông báo số 367-TB/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định ý nghĩa của Chương trình KX.04/06-10: "Chương trình "Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010" của Hội đồng Lý luận Trung ương đã được triển khai nghiêm túc, tích cực, đạt kết quả tốt. Nhiều kết quả nghiên cứu của chương trình đã đóng góp trực tiếp cho các Nghị quyết Trung ương (Khóa X) và Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng…".