Kiểm soát ký sinh trùng, nâng cao chất lượng thủy sản
Công nghệ - Ngày đăng : 17:31, 14/01/2011
(HNMO)- Trao đổi với phóng viên Hànộimới Online, ông Anders Dalgaards, Giám đốc điều hành Dự án xây dựng năng lực nghiên cứu ký sinh trùng gây bệnh có nguồn gốc thủy sản ở Việt Nam (FIBOZOPA) cho biết, ở Việt Nam, sán lá có nguồn gốc thủy sản (sán lá ruột và sán lá gan) được phát hiện là nhân tố chính cho an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, ước tính có khoảng 1 triệu người bị nhiễm sán từ thủy sản.
|
Cán bộ Dự án điều tra thực tế về tình hình nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Nam Định
|
Các loại sán trên là nguyên nhân dẫn tới các bệnh nghiêm trọng về gan, nhất là trực tiếp dẫn tới ung thư gan. Những nỗ lực kiểm soát nguồn bệnh này bằng thuốc chưa thành công đối với con người chống lại việc bị nhiễm qua việc ăn gỏi cá (cá chưa nấu chín).Nguồn bệnh ở cá hiện tại là vấn đề quan tâm lớn đối với an toàn thực phẩm cho việc mở rộng ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, cho cả người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Dự án FIBOZOPA triển khai ở Việt Nam được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Đan Mạch với tổng kinh phí 3 triệu USD, đã kết thúc giai đoạn I (2004-2007) và đang thực hiện giai đoạn II (2008-2012). Theo ông Anders, Dự án đã thành công trong việc xây dựng năng lực nghiên cứu giữa các Viện nghiên cứu thủy sản của Việt Nam để nhận biết và đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến lây truyền ký sinh trùng gây bệnh tới cá trong thủy sản.
Trước khi tiến hành dự án, rất ít người được biết về ký sinh trùng ở Việt Nam. Dự án FIBOZOPA gần đây đã thực hiện trên diện rộng các thử nghiệm về kiểm soát và phòng chống ký sinh trùng có nguồn gốc thủy sản ở các ao cá giống. Những kết quả đầu tiên hứa hẹn và chỉ ra rằng, những nghiên cứu (đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, ngăn chặn sự ô nhiễm của các ao bởi phân và kiểm soát ốc) có thể giảm sự xuất hiện của ký sinh trùng. Vào năm 2011 và 2012, dự án FIBOZOPA sẽ tăng cường ảnh hưởng tới các vùng cùng với các hộ ngư dân để ngăn chặn và kiểm soát sự truyền nhiễm ký sinh trùng. Những chỉ dẫn và các khóa tập huấn sẽ được phát triển tới các nhân viên và hộ nông dân.
Đ.H