Chuyện Danh Ngọc và nỗi lo của nền bóng đá
Thể thao - Ngày đăng : 07:56, 14/01/2011
Cầu thủ Danh Ngọc (phải). |
Bóng đá thành Nam kêu cứu
Sau khi nhà tài trợ Megastar đơn phương chấm dứt hợp đồng vào cuối mùa giải 2010, bóng đá thành Nam rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Ban lãnh đạo (BLĐ) đội bóng xoay đủ kiểu, nhưng không sao tìm ra tiền để trả lương cầu thủ. Trước tương lai xám xịt, nhiều cầu thủ đã nhanh chóng đền bù hợp đồng để tìm bến đỗ riêng. Danh Ngọc cũng nằm trong số này, nhưng lại không thể dứt áo ra đi bởi không được phép của BLĐ đội bóng.
Trả lời báo chí, tuyển thủ Olympic Việt Nam này thừa nhận anh buộc phải ra đi để cứu bản thân, bởi thu nhập không bảo đảm và tương lai cũng không mấy sáng sủa khi phải thi đấu ở giải hạng Nhất. Đời cầu thủ chỉ có thể chơi bóng trong 5-6 năm đỉnh cao.
Thế nên, khi nhận được đề nghị tốt, cầu thủ này buộc phải có sự lựa chọn dứt khoát, bất chấp việc đội nhà đang cần anh trong công cuộc tái thiết.
Không biết Danh Ngọc là cầu thủ nòng cốt thứ bao nhiêu của lò đào tạo này dứt áo ra đi. Chỉ riêng trước mùa giải 2010, đã có 8 cầu thủ chính thức của đội bóng thành Nam chia tay đội bóng, mà CLB không nhận được phí chuyển nhượng. Mất công chăm bẵm, đào tạo, chọn cả trăm cầu thủ trẻ mới tìm ra 1-2 người chơi được, giờ lại trắng tay, bóng đá thành Nam khó gượng dậy nổi. "Các trung tâm đào tạo (TTĐT) đang chết dần, chết mòn…", lời cảnh tỉnh của PGĐ Sở VH-TT&DL Nam Định, ông Nguyễn Hưng Thái, là một thực tế của bóng đá Việt Nam (BĐVN) hiện nay. Nam Định cũng là trường hợp điển hình cho những trung tâm đào tạo trẻ đang vất vả vật lộn trước sóng gió chuyển nhượng.
Cứu bằng cách nào?
Nguyên nhân khiến các đội bóng chuyên "sống" bằng đào tạo trẻ như Nam Định, SLNA, Đồng Tháp… gặp khó khăn thì có rất nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Không phải tất cả đều do phía các đội bóng, mà VFF cũng phải chịu phần nào trách nhiệm. Ông Nguyễn Hưng Thái từng nói, hợp đồng của FIFA cho phép ký hợp đồng 5 năm, nhưng quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ cho phép ký tối đa 3 năm, nên nhiều khi chưa kịp thu hồi vốn thì cầu thủ đã được tự do ra đi. Nhiều đội bóng nghèo chịu cảnh mất trắng cầu thủ về tay những đội bóng giàu có.
Trong dịp sang Việt Nam vào 5 năm trước, nguyên TTK LĐBĐ châu Á (AFC) Paul Mony từng được đề nghị giúp tháo gỡ sự vênh về luật này, nhưng vị chuyên gia cũng chỉ có thể đưa ra lời khuyên là VFF cần làm việc với cơ quan chức năng để tạo hành lang pháp lý cho BĐ, vốn mang đặc thù rất riêng. Từ đó đến nay, VFF vẫn chưa thể tìm ra cách hữu hiệu.
Chừng nào chưa thể tìm ra cách bảo vệ các trung tâm đào tạo, việc nên làm của VFF là phải thay đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp và các điều khoản về kỷ luật để tăng cường tính răn đe đối với những CLB chỉ chăm chăm "bắt quân" của CLB khác. Có thể nâng mức tiền đền bù chi phí đào tạo, tăng các khoản tiền phạt và thời gian treo giò đối với những cầu thủ đơn phương phá hợp đồng, phạt nặng những CLB chèo kéo cầu thủ đang còn hợp đồng với đội khác… Bảo vệ các trung tâm đào tạo cũng là để bảo vệ nền bóng đá quốc gia.
Danh Ngọc bị phạt nặng Hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng của Hoàng Danh Ngọc với CLB Nam Định bị các thành viên Ban Kỷ luật VFF cho là không có lý do chính đáng và vi phạm vào điều 55, khoản 1, quy định kỷ luật của VFF. Vì thế, chiều 13-1, Ban Kỷ luật đã quyết định "treo giò" tuyển thủ Olympic này 18 tháng, đồng thời phải nộp 2,4 tỷ đồng bồi thường chi phí đào tạo. Khoản chi phí này được tính dựa trên số năm đào tạo (8 năm), hệ số của cầu thủ (tuyển thủ Olympic QG được tính hệ số 10) và mức bồi thường theo hợp đồng đào tạo. Danh Ngọc có 7 ngày để khiếu nại lên ban giải quyết khiếu nại về quyết định kỷ luật này. Huy Hoàng |