Thảm kịch của nước Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 07:41, 14/01/2011
Vụ thảm sát xảy ra khi nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Gabrielle Giffords đang tiếp xúc với cử tri bang Arizona. Nhân chứng cho biết, bà G.Giffords bị bắn trúng từ một khoảng cách gần, hiện bà đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Kẻ sát nhân điên cuồng - Jared Lee Loughner đang sống cùng bố mẹ, gần đây hắn đã bị đình chỉ tại trường đại học vì những hành vi phá phách. Nhiều thông tin cho biết, hắn có vấn đề về tâm thần. Các nhà chức trách đã tìm thấy tại nhà riêng của thủ phạm ở bang Arizona một phong bì viết chữ nguệch ngoạc "vụ ám sát của tôi", "tôi đã lên kế hoạch trước" và cái tên "Giffords" bên cạnh chữ ký được cho là của J.L.Loughner.
Hồ sơ tòa án cho biết, trước đó thủ phạm đã có mối liên hệ với nữ nghị sĩ G.Giffords của đảng Dân chủ. Trong phiên tòa liên bang tại Phoenix, bang Arizona ngày 10-1, hung thủ bị cáo buộc 5 tội danh: cố tình ám sát nghị sĩ Quốc hội, hai tội danh về việc sát hại nhân viên của chính phủ và hai tội danh sát hại nhân viên liên bang. Trước tòa, hắn thừa nhận hiểu rất rõ rằng có thể phải sống nốt quãng đời còn lại trong tù hoặc nhận án tử hình. Jared Lee Loughner đang không được thẩm phán cho phép bảo lãnh tại ngoại. Ngày 24-1 tới sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm và nếu bị kết tội giết người, hắn có thể bị tuyên án tử hình.
Nữ nghị sĩ 40 tuổi Giffords, người phụ nữ Do Thái đầu tiên đại diện bang Arizona được bầu vào Quốc hội năm 2006 là người theo đường lối ôn hòa, ủng hộ các chính sách kinh doanh. Bà cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Luật Cải cách y tế, thúc đẩy việc tăng quân tới biên giới Mỹ - Mexico. Bà là một trong 20 nghị sĩ Dân chủ mà cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ Sarah Palin đã phản đối trong chiến dịch tranh cử Quốc hội Mỹ năm ngoái. Vì vậy, vụ ám sát nghị sĩ G.Gifford đã khiến dư luận Bắc Mỹ đặt câu hỏi, liệu có phải sự chia rẽ trên chính trường nước Mỹ đã đẩy nghi phạm đến hành động cực đoan này không. Vụ thảm sát diễn ra trong thời điểm chưa đầy một tuần sau khi đảng Cộng hòa chính thức kiểm soát Hạ viện.
Động cơ của kẻ ám sát đang được làm rõ, nhưng Cảnh sát trưởng Claren Dupnik hạt Pima, bang Arizona, nơi bà G.Gifford bị bắn cho rằng, những tuyên ngôn chính trị cay độc có thể liên quan đến vụ sát hại: "Đó có thể là tự do ngôn luận, nhưng không phải là nó không có hậu quả. Sự giận dữ, căm ghét và cuồng tín ở đất nước này đang trở nên thái quá. Và thật không may, Arizona đã trở thành tâm điểm". Cho dù động cơ gì đi nữa, âm hưởng độc hại của cuộc tranh luận chính trị ở nước Mỹ sẽ khiến dư luận chú ý hơn. Sau khi bà G.Gifford bị bắn, các lãnh tụ Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đã quyết định hoãn lại cuộc bỏ phiếu dự định vào ngày 12-1 vừa qua về việc bãi bỏ Luật Cải cách y tế - vấn đề gây tranh cãi nhất trong hai năm qua ở Mỹ.
Vụ xả súng là hồi chuông báo động về tình hình an ninh ở Mỹ. Trước đó, (ngày 6 và 7-1) 3 bưu kiện đã phát nổ tại 2 tòa nhà chính phủ ở bang Maryland và tòa nhà bưu điện ở Thủ đô Washington. Một lần nữa, "văn hóa súng đạn" tại Mỹ lại gây tranh cãi.