Xu hướng của khán giả V-League: Chờ đợi sự cống hiến
Xã hội - Ngày đăng : 15:19, 13/01/2011
Sân Hàng Đẫy vắng hoe khán giả. |
Tuy vậy, mùa giải thứ 10 lại cho thấy một sự thụt lùi khá lớn, khi chỉ có trung bình 8.605 người/trận. Một lập luận không phải không có cơ sở đã được đưa ra để giải thích cho sự sụt giảm khán giả tại V-League 2010 là do diễn ra trùng với năm có World Cup. Song, trên thực tế chỉ có 3 vòng đấu (16 đến 18) là diễn ra trong World Cup, 8 vòng còn lại (19 đến 26) diễn ra khi World Cup đã kết thúc. Khung giờ của 2 sự kiện này cũng khác nhau (theo giờ VN) và cần phải nhắc lại rằng V-League 2008 diễn ra vào năm có EURO thì nó vẫn ghi nhận sự tăng lên của khán giả so với năm 2007.
Người hâm mộ luôn luôn đúng và hầu hết những người có mặt trên SVĐ là để xem hoặc cổ vũ bóng đá một cách vô tư. Chỉ có một lý do chính khiến họ thay đổi quan điểm, điều đó nằm ở tính hấp dẫn của giải đấu.
Phim không hay ở đoạn kết
Bên cạnh sự giảm sút khán giả so với năm 2009, V-League 2010 còn chứng kiến một sự giảm sút rõ rệt về lượng khán giả giữa lượt đi và lượt về. Nếu như ở lượt đi, lượng khán giả trung bình đạt 10.571 người/trận (không quá chênh lệch so với con số tương ứng ở V-League 2009, 10.709 người/trận) thì ở lượt về chỉ còn có 6.640 người/trận (quá thấp so với lượt đi V-League 2010 và con số tương ứng ở V-League 2009, 10.066 người/trận).
Nhưng ngay cả ở mùa giải lập kỷ lục về số khán giả là V-League 2009 thì nó cũng ghi nhận điều tương tự (10.709 so với 10.066) dù không nặng nề như V-League 2010.
Theo logic thông thường, giai đoạn lượt về của mùa giải mới là giai đoạn kịch tính và hấp dẫn bởi đó cũng là quãng thời gian nước rút để các đội bóng tăng tốc. Nhưng có vẻ V-League lại đang đi ngược xu hướng ấy. Sau sự háo hức hồi đầu mùa kéo dài đến giữa giải thì sự quan tâm của người hâm mộ lại càng lúc càng nguội lạnh. Những vòng đấu cuối là những vòng có ít khán giả nhất. Vòng 24 V-League 2009 chỉ có 35.500 người tới sân, trong khi vòng 8 lập kỷ lục về lượng khán giả với 95.000 người. Vòng 23 V-League 2010, thậm chí còn không bằng 1/3 số khán giả ở vòng 14, 29.500 so với 97.000 người.
Truyền thống? Phong độ? Hay cả hai?
Không riêng gì V-League, ở bất cứ giải đấu nào, cuộc đua tới ngôi vô địch hay cuộc đua tránh suất xuống hạng bao giờ cũng diễn ra hấp dẫn nhất. Việc SHB.ĐN đăng quang sớm 3 vòng ở V-League 2009 hay HN.T&T được chọn mặt gửi vàng ở V-League 2010 có thể là những tác nhân quan trọng khiến cho rất nhiều trận đấu ở những vòng đấu cuối cùng trở nên vô thưởng vô phạt, vì thế không hấp dẫn được khán giả.
Tuy vậy, vẫn có những ngoại lệ mà Lạch Tray hay Cao Lãnh (xếp thứ 4 trong số những SVĐ đông khán giả nhất) là ví dụ. Ở vòng đấu thứ 26, V-League 2010, 18.000 khán giả Hải Phòng và 10.000 khán giả Đồng Tháp vẫn tới sân cổ vũ đội nhà thi đấu. Thói quen chia sẻ cùng đội bóng được sinh ra từ truyền thống văn hóa của địa phương và là thứ tình cảm được hình thành, tiếp nối lâu dài, thậm chí qua nhiều thế hệ.
Đây chính là điều mà những đội bóng trẻ như HN.T&T, HP.HN hoặc những đội bóng xa lạ với địa phương như N.SG ở V-League 2010 không có được. Và đó là lý do cơ bản khiến sân Hàng Đẫy, Thống Nhất lúc nào cũng vắng tanh.
Song, truyền thống không hoàn toàn có ý nghĩa quyết định. Sân Chi Lăng hồi đầu mùa vẫn có lượng khán giả đông nhất nhì V-League, nhưng phong độ tệ hại của SHB.ĐN đã biến nó thành cái chùa Bà Đanh nằm bên sông Hàn ở cả lượt về. Sân Vinh một thời là chảo lửa nhưng bây giờ cũng bớt nhiệt (chỉ xếp thứ 9/14 sân cỏ cả nước năm 2010) vì phong độ phập phù của SLNA mùa trước.
Trong hoàn cảnh đó, B.BD đúng là một trường hợp đặc biệt. Sau 2 mùa giải trắng tay, đất Thủ vẫn duy trì được lượng khán giả trung bình ở mức cao. Điều đó cho thấy, một lối chơi cống hiến bao giờ cũng chinh phục được người hâm mộ.