Giúp nhau làm giàu, xây dựng quê hương
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 13/01/2011
Thi đua làm giàu
Chúng tôi đã thực sự ngỡ ngàng khi đến thăm cơ sở sản xuất tranh thêu tay nghệ thuật Đức Khoa ở thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Hàng chục lao động là con em nông dân trong xã vẫn miệt mài bên khung thêu để hoàn thành lô hàng xuất khẩu và hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão. Chủ cơ sở sản xuất - Nghệ nhân Nguyễn Đức Khoa cho biết, hiện tại cơ sở thường xuyên giải quyết việc làm cho 100 lao động với mức lương ổn định từ 800 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đoàn cán bộ Hội Nông dân Hà Nội tham quan mô hình trồng cam Canh tại huyện Thanh Oai. |
Rời làng nghề Bình Lăng, chúng tôi đến với những cánh đồng cam Canh, bưởi Diễn ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai trong mưa phùn nặng hạt. Lúc này nhiệt độ ngoài trời đã xuống tới 7 độ nhưng những người dân nơi đây vẫn thoăn thoắt cắt tỉa cây, dọn vườn, biến đồng đất xưa chỉ cấy được 2 vụ lúa năng suất thấp thành vườn cây ăn quả cho giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi hécta canh tác. Đã quá trưa, nhưng lão nông Lê Đức Giáp - người vẫn được gọi là "nhà nông học" trong lĩnh vực cây có múi vẫn miệt mài chiết, ghép cây cảnh để phục vụ nhu cầu chơi tết của nhân dân. Trên khuôn mặt ông lộ rõ niềm vui do năm nay cam Canh, bưởi Diễn được mùa, giá bán lại cao. Ông chia sẻ, trên diện tích 10.000m2, vụ cam năm nay gia đình thu hơn 10 tấn quả. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, gia đình thu khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông thu hàng trăm triệu đồng từ bán cây cam, quất cảnh, cây giống cho nhân dân trong và ngoài huyện. Không chỉ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông còn giúp hàng chục gia đình hội viên nông dân xã Cao Viên và các xã lân cận về giống, vốn, KHKT cùng làm giàu. Gia đình ông nhiều năm được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp TP.
Đó là hai trong gần 300 nghìn hộ nông dân toàn TP đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp trong năm 2010. Ở bất cứ đồng đất nào, địa hình nào, từ vùng núi cao Ba Vì cho đến vùng chiêm trũng Phú Xuyên, Ứng Hòa hay vùng đất cằn pha cát Sóc Sơn... dù khó khăn đến mấy, nông dân Thủ đô cũng quyết vượt qua, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Với tinh thần "tương thân, tương ái", nông dân Thủ đô còn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Chỉ tính trong 5 năm (2005-2010) đã có 12 tỷ 460 triệu đồng; hàng ngàn tấn lương thực; trên 70 vạn cây, con giống; gần 850 tấn vật tư nông nghiệp các loại và hàng chục vạn ngày công lao động... của các hộ nông dân chia sẻ tới các hộ nghèo và cận nghèo, giúp họ khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy đã có 11.237 hộ nông dân khó khăn được giúp đỡ đã có cuộc sống ổn định và khá giả hơn.
Sức bền từ một phong trào
Nhờ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, những năm qua, các cấp hội nông dân Hà Nội tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Với sức bền, phong trào thi đua này đã có bước phát triển sâu rộng, cuốn hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã hỗ trợ cho ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên làm giàu của nhiều hội viên nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, với phương châm thực hiện "4 cao": Năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao và sức cạnh tranh cao, các cấp hội nông dân Thủ đô đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dồn điền, đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung. Từ đó đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung và mô hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp như: Mô hình trồng nấm ăn ở huyện Ứng Hòa; chăn nuôi lợn sạch ở xã Tân Ước (Thanh Oai), xã Cổ Đông (Sơn Tây); trang trại VAC ở huyện Đông Anh, Phú Xuyên; sản xuất rau an toàn ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), Vân Nội... Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn là phong trào thi đua sâu rộng, có sức cổ vũ và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho nông dân Thủ đô xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.