2020: Việt Nam phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD
Chính trị - Ngày đăng : 11:08, 12/01/2011
Với chủ đề của Đại hội XI là "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại", thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình Đại hội Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành TƯ khóa X (đánh giá kết quả thực hiện phương hướng, nhiệm vụ 5 năm qua; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Về đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Tổng Bí thư cho rằng, toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra. Nền kinh tế đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế, uy tín của nước ta được nâng cao.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; các cân đối vĩ mô chưa thật chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhìn nhận nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém nói trên có một phần do năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, báo cáo cho biết nhiều mục tiêu chủ yếu đã được thực hiện. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế gấp 3,4 lần so với 2000; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được thành tựu quan trọng trên nhiều mặt; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Tổng Bí thư cũng đánh giá, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên nhiều, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đánh giá những mặt được, chưa được của các chiến lược đã thực hiện, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đây được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Một số mục tiêu cụ thể được đề ra là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm; GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD; Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao nhất thế giới; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm… Trong đó, giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7-7,5%/năm, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD, giảm bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015, giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động…
Chiến lược xác định 3 khâu đột phá gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Tổng Bí thư cho biết, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Dự thảo Cương lĩnh chỉ rõ, toàn Đảng, toàn dân ta cần quán triệt và thực hiện tốt 8 phương hướng cơ bản: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, các dự thảo báo cáo xác định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, trong đó cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để thực hiện định hướng này, cần phải phát triển mạnh các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tập trung vào 3 nội dung lớn: Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng; Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đảng viên; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận của Đảng; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó chú trọng khắc phục tình trạng làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng…
“Đảng sẽ đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được quy định, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu; có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương…”, Tổng Bí thư phát biểu.
Việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng sẽ tập trung vào một số vấn đề về tiêu chuẩn đảng viên, giới thiệu người vào Đảng; quy định những điều đảng viên không được làm và quy định việc thí điểm một số chủ trương mới ghi trong Điều lệ; về tính tuổi đảng; về thành lập tổ chức cơ sở đảng; về chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng; về nhiệm kỳ của đại hội đảng ở những nơi thành lập mới, chia tách, hợp nhất; về thẩm quyền kỷ luật đảng viên và các hình thức kỷ luật trong Đảng; về giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng và một số vấn đề liên quan đến tổ chức đảng, công tác đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Trong ngày làm việc đầu tiên của Đại hội, Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã có 121 điện chúc mừng của 103 Đảng, 14 tổ chức của 69 nước trên thế giới gửi tới Đại hội. |