Xứng danh thành phố mang tên Bác

Chính trị - Ngày đăng : 07:43, 12/01/2011

(HNM) - Năm 2010 là một năm đầy thử thách với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh trên đường phát triển. Ảnh: Minh Nguyễn


GDP bình quân đầu người năm 2010 ước 2.800 USD, tăng 11,8% so với năm 2009. Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Các ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 12%/năm, các ngành dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển mạnh; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 bằng 1,85 lần giai đoạn 2001-2005; 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế tăng lên.

Trong năm qua, thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh vượt chỉ tiêu do trung ương giao, đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia. Kinh tế đối ngoại tiếp tục được mở rộng trên cả 3 lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA). Môi trường kinh doanh và đầu tư tiếp tục được cải thiện, từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh, thành khác; vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với khu vực và cả nước ngày càng được khẳng định. Với nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung nguồn lực thực hiện 12 chương trình, công trình trọng điểm và 5 chương trình, công trình mang tính đòn bẩy do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện chất lượng sống cho nhân dân. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chương trình giảm nghèo theo tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2008; đến cuối năm 2010 giảm còn 6,6% hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm.

Năm 2011, một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh hướng tới là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng, trong đó phấn đấu GDP tăng 12%. Về định hướng phát triển kinh tế năm 2011, TP Hồ Chí Minh sẽ dồn sức tập trung cho phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững dựa trên 3 yếu tố then chốt gồm: ứng phó với biến đổi khí hậu, không đầu tư dàn trải và cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Trong năm 2011, thành phố đề ra chỉ tiêu GDP đạt khoảng 475.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Theo đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.130 USD.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân day dứt: Năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn còn 3/21 chỉ tiêu chưa đạt. Đó là chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 9,58% (chỉ tiêu dưới 7%), xử lý nước thải y tế và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa triệt để. Ngoài ra, hạn chế lớn nhất làm cản trở phát triển kinh tế của thành phố là nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được cho các ngành sản xuất công nghệ cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập như ngập úng, kẹt xe, sụt lún mặt đường… gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân! "Do vậy, trong năm 2011, với 22 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội và môi trường đề ra, các sở, ngành và 24 quận, huyện phải hạ quyết tâm thực hiện bằng được nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước của thành phố trong năm nay đạt từ 12% trở lên, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 7%. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh phải nỗ lực hết sức mình!", Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu tiếp tục chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao để tạo đà tăng trưởng hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, phải tăng cường quản lý, phát triển đô thị bền vững và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản…

Anh Thái