Phấn khởi và tin tưởng
Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 12/01/2011
Những người nông dân tài năng
Những ngày đầu năm 2011, không khí ở bản người Dao, người Mường huyện Ba Vì thật rộn rã, tươi vui. Trên các trục đường chính nối liền từ trung tâm huyện về các làng bản miền núi đã thảm bê tông nhựa phẳng lỳ là hàng trăm tấm băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa đỏ rực của đồng bào hướng về Đại hội Đảng. Trò chuyện với PV trên nương chè xanh mướt, lão nông Đinh Văn Tịnh, xã Ba Trại (Ba Vì) lộ rõ vẻ hân hoan: "Chưa bao giờ cuộc sống người dân lại được quan tâm như hiện nay, người nghèo thì được Nhà nước cho vay vốn làm ăn và giải quyết việc làm, được hỗ trợ xây nhà mới, cây, con giống để phát triển sản xuất, không còn cảnh đói no lần bữa, chúng tôi vui mừng vì mình có cuộc sống ấm no và đầy đủ". Theo ông Tịnh, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây chè nên đời sống gia đình ông cùng hàng nghìn hộ đồng bào nơi rẻo cao Ba Vì đã đổi đời. Theo lãnh đạo xã Ba Trại thì địa phương này đang phấn đấu tăng diện tích cây chè lên 2.000ha để tạo tiền đề vững chắc xây dựng thương hiệu chè du lịch, chè sạch có giá trị kinh tế cao. Ngược lên xã Minh Quang, chúng tôi đến thăm thôn Lặt, Trưởng thôn Bùi Thị Tình không giấu nổi niềm vui khi 100% đường làng, ngõ xóm của thôn được trải bê tông khang trang, sạch đẹp nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng kinh phí đóng góp từ nhân dân lên đến hơn 500 triệu đồng. Trưởng thôn Tình nói: "Giờ bản chúng tôi không còn cảnh nghèo khó như xưa nhờ những giống lúa, cây màu mới nên giá trị trên diện tích canh tác nâng lên. Có được thành quả hôm nay là do Đảng, Nhà nước có chính sách đầu tư nông nghiệp, nông thôn và nông dân thỏa đáng. Chúng tôi mong rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần này tiếp tục quan tâm đến tam nông".
Thị xã Sơn Tây rực rỡ cờ hoa. Ảnh: Bá Hoạt
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở với Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bí thư Huyện ủy khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định những năm tới Ba Vì sẽ lấy dịch vụ du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở khu vực 7 xã miền núi nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi như bảo tồn, gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống; có nguồn nước khoáng nóng Thuần Mỹ xấp xỉ 150ha, với nhiệt độ trung bình từ 48-52 độ C; những cánh đồng cỏ rộng lớn thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, phát triển thương hiệu "Sữa Ba Vì"…
Vươn tới giàu đẹp, văn minh
Đã vào cái tuổi "mắt mờ chân chậm", từng "vào sinh ra tử" (là cựu tù Phú Quốc), nhưng ông Nguyễn Như Mậu vẫn đóng tròn 2 vai lão nông và "chủ bút" CLB thơ ca xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Giờ hành chính, ông ở trụ sở xã giải quyết công việc của Hội Người cao tuổi và sinh hoạt thơ, văn cùng các cụ cao niên. Khi rảnh rỗi, ông tranh thủ chăm sóc mảnh vườn gần 2.000m2 bưởi Diễn, xoài và nuôi gà, lợn. Ông Mậu cho biết, mùa màng thuận lợi thu nhập cũng khá, được hàng chục triệu đến trăm triệu đồng mỗi năm.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt cho biết, Phú Cường là địa phương điển hình giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong điều kiện thu hẹp hoặc thu hồi hoàn toàn đất nông nghiệp (thu nhập bình quân đầu người của Phú Cường đã đạt 16,5 triệu đồng/năm 2010). Hiện xã đã chuyển đổi 50ha đất nông nghiệp với 35 mô hình kinh tế vườn đồng trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trong đó có 20ha bưởi Diễn cho giá trị cao. Ngoài chuyển đổi trong nông nghiệp, chính quyền cũng quan tâm tạo việc làm tại chỗ như thu hút doanh nghiệp May Phương Thảo, Chiếu trúc Đại Dương mở điểm sản xuất trên địa bàn; mở rộng các khâu dịch vụ thương mại liền kề sân bay Nội Bài… (hiện lao động trong các ngành kinh tế này chiếm tới 70%).
Khác với xã Phú Cường, đồng bào lương - giáo ở xã Đại Thắng lại nhận vinh dự và trách nhiệm lớn lao được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của huyện Phú Xuyên. Theo Bí thư Huyện ủy Trương Thế Cầu, Đại Thắng có kinh tế tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp phát triển (thu nhập trên một hécta canh tác đạt 68 triệu đồng/năm), đời sống người dân cũng ổn định và có nhiều khởi sắc (bình quân thu nhập 12 triệu đồng/người/năm). Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Mơ, một người dân xứ đạo Lương Xá tin tưởng: "Chúng tôi rất mừng vì quê hương ngày càng đổi mới, giàu mạnh. Với chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, khoảng cách giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn đang dần thu hẹp".
Niềm tin của bà Mơ cũng là ước nguyện của hàng triệu nông dân ngoại thành Hà Nội. Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ KT-XH năm 2011, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, TP sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông, hệ thống thủy lợi, hạ tầng làng nghề… Hà Nội quyết tâm xây dựng thành công mô hình nông thôn mới tại xã Thụy Hương và 18 xã mới, đi đôi với đẩy nhanh quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tại các xã còn lại để triển khai trong những năm tiếp theo.