Bài 1: Sức ta, thế ta
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 12/01/2011
LTS: Nhân Đại hội XI của Đảng, Báo Hànộimới đăng loạt bài "Ý Đảng - Lòng dân" để nói về những chủ trương, đường lối của Đảng khi xuất phát từ lợi ích của dân tộc, phù hợp với thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thành sức mạnh to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thế nào là một nước công nghiệp? Đó là một nước có nền kinh tế với sức mạnh trên 70% do công nghiệp quyết định. Đó là một nước có thể sản xuất những mặt hàng cần thiết cho bản thân và để xuất khẩu. Đó là một nước có nền khoa học, giáo dục bảo đảm phát minh và sản xuất ra những gì phù hợp với mình và có thể bán ra thế giới và mọi công dân được cung cấp những hình thức dịch vụ học vấn đủ để sáng tạo ra những gì cần cho thế hệ mới... Đó là những gì chưa từng tồn tại trong lịch sử lâu dài của cha ông. Và đó chính là sức mạnh sáng tạo phi thường, cũng như trách nhiệm lịch sử vĩ đại của Đảng ta, thông qua những quyết định trọng đại tại Đại hội XI này.
Thủy điện Sơn La, một trong những công trình trọng điểm của đất nước. Ảnh: Ngọc Hà |
Kể từ Đại hội IX năm 2001, tổng sản phẩm của đất nước năm 2010 so với năm 2000 đã tăng gấp đôi. Bắt đầu từ một nền kinh tế hầu như "tay không", kể từ khi Đảng bắt đầu đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI năm 1986, tới nay chúng ta đã có những bước nhảy vọt đầy ấn tượng.
Khi nói đến sức mạnh, sự phát triển của một đất nước, người ta thường dựa trên chỉ số tổng sản phẩm. Nhưng có một chỉ số hết sức cơ bản cho thấy đất nước phát triển như thế nào, theo chiều hướng nào - tiêu dùng hay sản xuất; gốc rễ là công nghiệp nặng hay nhẹ... - thường chỉ được giới chuyên gia quan tâm - đó là chỉ số tiêu dùng và phát triển năng lượng. Chỉ số năng lượng cho thấy mức sống thực tế của người dân (thông qua tiêu thụ điện, gas, xăng, dầu...), Nhà nước sử dụng năng lượng vào mục đích gì (dịch vụ hay sản xuất) và sản xuất nó tới mức nào... Những năm qua, nhu cầu năng lượng của nước ta mỗi năm tăng thêm 15 - 17%.
Theo báo cáo, năm 2010, đóng góp của ngành dầu khí bằng 24% tổng thu nhập quốc dân. 30 năm trước, năm 1981, doanh nghiệp dầu khí đầu tiên được thành lập ở Việt Nam trên cơ sở liên doanh với Liên Xô với tên gọi VietsovPetro. Năm năm sau, 1986, chúng ta có những tấn dầu đầu tiên. Năm 2010, doanh nghiệp này đã khai thác được 6,4 triệu tấn dầu thô. Cũng năm 2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khánh thành với công suất 6,5 triệu tấn dầu/năm; đồng thời chúng ta ký hợp đồng bán cổ phần để năng cao công suất lên 10 triệu tấn. Tiếp đó là hợp đồng 5 tỷ USD xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lớn hơn cả Dung Quất. Cả hai khu công nghiệp này đều ở miền Trung "chang chang cồn cát nắng, mênh mang nước lũ về", một miền Trung "đòn gánh", hứng chịu mọi gian nan của đất nước cho hai đầu Nam - Bắc sáng lên ánh đèn, lúa nặng trĩu bông, đang tạo đà đưa đất nước đi lên. Hôm nay đó là những gì Đảng ta đã và đang trả lại miền Trung và hứa hẹn cùng đất nước về một ngày mai đàng hoàng, tươi đẹp.
Tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La vừa khởi động, hòa vào lưới điện quốc gia cũng là lúc Nhà máy Thủy điện Lai Châu khởi công xây dựng. Như vậy trên sông Đà sẽ có ba nhà máy thủy điện. Cả một hệ thống thủy điện bậc thang. Thực tế kế hoạch thủy điện bậc thang này đã được đề xuất, nghiên cứu lập dự án và thông qua, quyết định thực hiện từ ngay sau ngày đất nước thống nhất. Nấc thang đầu tiên của bậc thang là Thủy điện Hòa Bình, được nghiên cứu, thiết kế, đầu tư... hầu như hoàn toàn với sự giúp đỡ của Liên Xô. Nấc hai, Thủy điện Sơn La, đã là chuyện của chúng ta. Và thủy điện cuối cùng là Lai Châu lại càng vậy. Không chỉ nhu cầu năng lượng của chúng ta tăng nhanh. Khả năng tự đáp ứng của chúng ta tăng cũng rất nhanh. Nhanh về kinh nghiệm, kiến thức. Và nhất là khả năng tài chính. Sức mạnh kinh tế của đất nước đang tăng lên mau chóng.
Cầu và đường là hai cơ sở xác định mức phát triển của một quốc gia bởi đó là những yêu cầu thông thương. Rất lâu sau khi người Pháp khánh thành cây cầu vượt sông lớn đầu tiên ở Việt Nam là cầu Long Biên, phải hơn nửa thế kỷ chúng ta mới có được một vài cầu như vậy - cầu Việt Trì do Trung Quốc giúp và cầu Hàm Rồng do kỹ sư Việt Nam thi công.
Sông Hồng đoạn qua Hà Nội giờ đã có 5 cầu lớn và đang tiếp tục những dự án cầu mới lớn hơn... Còn đường, những nẻo đường từ Bắc vô Nam, từ xuôi lên ngược, những nẻo đường xây dựng đang ngày một nhiều hơn. Người dân bất kỳ vùng nào cũng khao khát vươn lên vượt nghèo. Muốn vậy phải có đường để buôn bán, trao đổi văn hóa. Và đó là ý nguyện của dân mà Đảng không thể không tính đến.
Dọc theo những con đường ngày càng nhiều hơn, dài hơn, rộng hơn là những khu dân cư mới ngày càng mang dáng dấp đô thị với lối sống đô thị hóa, nghĩa là điện, nước, gas, điện thoại (cố định và di động), TV, internet, các loại hình dịch vụ... Tất cả đều cần năng lượng - năng lượng là nhu cầu tự nhiên của người dân. Sản xuất và cung ứng là trách nhiệm của doanh nghiệp với những tổng công ty chủ đạo do Nhà nước quản lý.
Cùng với hệ thống đô thị mới đang hình thành khắp mọi miền đất nước là những loại hình dịch vụ chỉ mới vài chục năm trước thôi ít ai tin là được phép tồn tại - dịch vụ y tế với hệ thống các phòng khám, chữa bệnh tư nhân, kể cả bệnh viện tư; hệ thống giáo dục tư nhân từ nhà trẻ tới cấp đại học. Chúng ta gọi đó là phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", là "xã hội hóa"...
Đã có thời kỳ, khi chưa giành chính quyền, sức mạnh của quần chúng được phát huy tối đa. Đó là thời kỳ Đảng chỉ lối, vận động và hướng dẫn, nhân dân là người thực hiện. Và khi Đảng cầm quyền, hình thức phải thay đổi. Đảng không chỉ vạch lối chỉ đường, Đảng cần sử dụng sức mạnh kinh tế của Nhà nước để lôi cuốn quần chúng đi theo. Khi hai sức mạnh đó của Đảng và của dân cộng hưởng sẽ tạo nên "sóng thần", tạo sức, tạo thế, tạo đà đưa đất nước bứt phá khỏi "quỹ đạo trung bình", bay vào "tầng trung lưu". Dân không chỉ đã mong mỏi, không chỉ đã sẵn sàng. Quyết định giờ đây là của Đảng.
Đã có những bước tiến không ngờ từ khi Đảng quyết tâm đổi mới. Từ một đất nước nghèo khổ, lạc hậu mà thông tin liên lạc là kém nhất, như xe khách chạy Hà Nội - Vinh (300km) mất cả ngày, thậm chí hơn, giờ đây Việt Nam là một trong những nước phát triển viễn thông nhanh nhất. Với hơn 80 triệu dân già trẻ lớn bé, giờ chúng ta có 170 triệu thuê bao điện thoại. Giờ internet không còn là xa lạ với bất kỳ người Việt Nam nào, thậm chí đang có những cố gắng kiềm chế bớt tốc độ phát triển vì nó nhanh hơn khả năng quản lý. Những phương tiện giao thông như xe máy, ô tô cũng tăng không ngờ.
Không có con số chính thức nhưng số dân trung lưu ở Việt Nam đang tăng lên mau chóng. Đó chính là những người tiêu thụ năng lượng rất nhiều và cũng đặt ra rất nhiều vấn đề buộc chính quyền phải quan tâm. Bởi họ chính là bộ mặt của xã hội.
Quan tâm trước tiên là sự chuyển đổi của toàn nền kinh tế sang một đường ray khác - đường ray công nghiệp. Và từ nó là quan tâm thứ hai - dân sẽ ngày càng giàu, vậy nên sửa đổi nguyên tắc quản lý điều hành sao cho phù hợp để xã hội mỗi năm một ổn định hơn, thịnh vượng hơn.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có những dự án lớn - tàu điện ngầm, trên cao. Nhà nước có những kế hoạch dài hạn mang tầm khát vọng dân tộc - tàu cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, trạm vệ tinh không gian...
Chẳng thể làm được những dự tính lịch sử đó nếu sức không đủ mạnh, thế không đủ vững. Và trên cả là nếu không có sự hòa hợp, thống nhất giữa chính quyền và dân, như lịch sử Việt Nam đã ghi nhận. Sự hòa hợp, thống nhất ấy được gọi là "Ý Đảng, lòng dân".