“Thắt” một chỗ, “phình” nhiều chỗ
Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 11/01/2011
Lò mổ… giữa đường
Lợn sau khi giết mổ nằm la liệt trên lòng đường ở xã Ngọc Hồi (Thanh Trì). Ảnh: Q. Dung
Mặc dù đã xuất hiện thêm một số điểm giết mổ sau việc đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) nhưng các lò mổ cũ vẫn đang hoạt động hết công suất. Một giờ sáng ngày 7-1, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội xuống 7oC, PV Hànộimới đã có mặt tại các cơ sở giết mổ đã tồn tại trên đất Thanh Trì 20-30 năm nay (đây là lý do duy nhất để các cơ sở này tồn tại trong khi các cơ sở khác bị dẹp bỏ).
Mặc dù chưa phải giờ "cao điểm" giết mổ nhưng mùi xú uế, sự nhầy nhụa bởi bùn đất... đã khiến nhiều thành viên trong đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Hà Nội bịt mũi, lắc đầu. Theo ghi nhận của PV Báo Hànộimới việc giết mổ được thực hiện trực tiếp trên các sàn bê tông. Nội tạng lợn cũng được sơ chế tại chỗ với các dụng cụ cáu bẩn. Nhân viên trong lò mổ không ai có phương tiện bảo hộ. Mổ xong, lợn được chất lên xe máy, không phủ hay cho vào thùng theo quy định mà cứ thế lao ra phố, nếu chưa có chủ nhân tới, lợn nằm la liệt vỉa hè, vệ đường. Thấy PV Hànộimới chụp ảnh, ghi hình cảnh tượng giết mổ này, nhân viên tại lò mổ Thanh Hội, thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi nói "bẩn thế này mà lên báo là cánh này mất Tết"!
Theo các chủ lò ở đây, mổ lợn vào khoảng 1-3 giờ, chủ yếu cung cấp thịt cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các cơ sở làm giò, chả, còn bán tại các chợ nội thành, phải từ 3 giờ trở ra. Một loạt lò mổ như Hà Tân, Thanh Hội… mỗi ngày "hóa kiếp" từ 50 đến 500 con lợn. Ô tô, xe máy chở lợn ra vào nườm nượp trong đêm. Hai giờ sáng, có mặt tại lò mổ Hà Tân, trong căn lều lán tạm bợ, nằm ngay sát đường liên thôn Ngọc Hồi, xung quanh là các ngôi nhà cửa đóng then cài, chủ lò mổ Hoàng Văn Tân cho biết, cơ sở của em chỉ giết mổ vài chục con/ngày, sạch sẽ lắm, chẳng có mùi gì đâu, bà con xung quanh chưa thấy ai có ý kiến! Khác với lời giới thiệu, đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm con lợn nhốt trong chuồng, chuẩn bị được "hóa kiếp". Bên trong lò mổ, hàng chục thợ đang hành nghề, lợn được để ngay dưới sàn xi măng rồi dùng móc sắt móc vào hàm, kéo tuột ra giữa con đường liên xã. Kế bên, tại cơ sở giết mổ của ông Hoàng Thanh Hội, người đến lấy hàng đông như hội. Trung bình mỗi ngày cơ sở này giết khoảng 200-300 con nhưng vào thời điểm này có thể lên tới 400-500 con. Với diện tích chưa đến 50m2, giết mổ với số lượng trên quá lớn, cơ sở tận dụng lòng đường giao thông liên xã Ngọc Hồi làm địa điểm giết mổ và chiếm dụng luôn cả vỉa hè hai bên đường. Vài chục con lợn sau khi cạo lông, phanh bụng được quăng ngay ra đường. Tất cả phân rác và nước thải được đổ trực tiếp xuống mương nước bên đường.
Cần quyết liệt vào cuộc
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 7 cơ sở giết mổ lợn, nhưng tất cả các lò này đều không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, với các lò mổ "chui" thì việc đăng ký kinh doanh hầu như không có và kiểm dịch sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở này hết sức khó khăn. Theo giải thích của một chủ lò ở xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) mỗi ngày phải mổ tới vài trăm con lợn bán ở các chợ nội thành chưa thấy ai kêu thịt lợn bị bẩn cả! Do đó, khâu kiểm dịch và đăng ký kinh doanh giết mổ cũng không cần lắm, đỡ tốn kém. Trao đổi với PV Hànộimới về việc các hộ này tồn tại ở đây đã lâu, ông Nguyễn Minh Khiết, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Thanh Trì cho biết, trên thực tế, thú y không có chức năng đình chỉ hoặc cấm giết mổ với bất kỳ một cơ sở nào. Chính quyền huyện cũng đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng để giải quyết, chấn chỉnh hoạt động của các lò mổ "chui" nhưng đâu lại hoàn đó, không thể xử lý dứt điểm vì nhu cầu dân sinh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, những ngày cận Tết Nguyên đán, hoạt động của các lò mổ tăng lên tới 30%, đây chính là điều kiện thuận lợi để các lò mổ chui ra sức hoành hành. Lực lượng thú y chỉ có quyền đi kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm, còn khi phát hiện ra cơ sở giết mổ "chui" lại không có quyền đóng cửa. Trong khi đó, chính quyền địa phương lúng túng mặc dù đã triển khai nhiều hội nghị để bàn cách giải quyết nhưng vẫn bất lực. Thiết nghĩ để đưa số lò mổ tự phát ở các huyện ngoại thành Hà Nội vào hoạt động nền nếp, bảo đảm vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường, chính quyền cơ sở phải phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm. Chính quyền địa phương cần kết hợp với các cơ quan chức năng xây dựng mô hình giết mổ tập trung, xa khu dân cư.