Cần nghiêm khắc và chống tái lấn chiếm

Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 11/01/2011

(HNM) - Tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ đang


Để trả lại hành lang thông thoáng cho dòng sông, bảo đảm thoát lũ… đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm khắc, triệt để vi phạm và kiên quyết chống tái lấn chiếm.

Vi phạm vẫn như “nấm sau mưa”


Nhà kiên cố được xây dựng trong hành lang đê sông Nhuệ tại xã Cổ Nhuế (Từ Liêm).


Ngày 7-1-2011, chỉ 1 ngày sau khi xã Mễ Trì (Từ Liêm) tổ chức cưỡng chế, giải tỏa 6 trường hợp xây nhà cấp 4, nhà tôn, lều lán, xây tường lấn chiếm bờ sông Nhuệ, có mặt tại khu vực điểm nối từ Đại lộ Thăng Long đến Trạm bơm Đồng Giữa, thôn Phú Đô, nhóm PV Hànộimới chứng kiến giữa "thanh thiên bạch nhật" một số người dân tiếp tục dựng hàng rào mới ngay bên ngoài bức tường vừa bị đập đổ và thu dọn hiện trường để chuẩn bị dựng một nhà tôn mới. Thấy người lạ, một số người dân tỏ ý nghi ngờ nên bất hợp tác khi chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin và chụp hình khu vực lấn chiếm. Với độ dài khoảng 1km hành lang bờ sông đã có gần 30 thửa đất có chủ và đến 2/3 số vi phạm xây nhà cấp 4, làm xưởng sản xuất, số còn lại là lều lán tạm che bằng tôn, tre, xây tường bao, hoặc mới đổ đất san nền. Tại xã Cổ Nhuế, nơi có 414 vụ vi phạm hành lang sông Nhuệ từ trước đến nay (thống kê của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ), thời điểm này việc lấn chiếm gần như đã dừng hẳn trước sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở. Tuy nhiên, hiện trạng của việc lấn chiếm thì còn nguyên đó. Bên bờ tả sông Nhuệ (đoạn từ cầu Noi đi về phía thượng nguồn) hàng chục ngôi nhà cấp 4, lều lán tạm, thậm chí có cả nhà kiên cố 2,5 tầng đang xây dựng dở dang nằm gọn trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ.

Theo quan sát của PV Hànộimới tại những điểm "nóng" khác như Tả Thanh Oai và Hữu Hòa (Thanh Trì), đường Thanh Bình, phường Mộ Lao (Hà Đông), việc lấn chiếm hành lang và dòng sông cũng phức tạp. Cả hai bờ tả và hữu sông Nhuệ dày đặc nhà ở, lều quán, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ còn đóng cọc, đổ cột bê tông ngay trên dòng sông để xây nhà ở từ nhiều năm nay. Trong khi đó, có những công trình vi phạm bị cưỡng chế nhiều lần, nhưng sau một thời gian thì đâu lại hoàn đấy. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm tràn lan là do đất tăng giá, người dân chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng mua nguyên, vật liệu, thuê thợ xây dựng thành ngôi nhà là có thể bán được hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ở một số nơi như Cổ Nhuế, Cầu Diễn (Từ Liêm) đất hành lang sông Nhuệ được các cơ quan, đơn vị như Bộ Tư lệnh Hóa học, Công ty Lũng Lô, Xí nghiệp Vận tải 3… đã chia cho công nhân ở 40-50 năm nay, nay nhà ở xuống cấp, các hộ tự sửa chữa, cơi nới mặc dù chính quyền không cho phép.

Xử lý nghiêm khắc

Trước tình hình vi phạm phức tạp và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng được các cơ quan báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-1-2011. UBND TP Hà Nội cũng ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang sông Nhuệ. Trên cơ sở kế hoạch, tập trung giải tỏa, xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định pháp luật xong trước quý II-2011. Công ty Thủy lợi sông Nhuệ có trách nhiệm quản lý chống tái lấn chiếm.

Thực hiện sự chỉ đạo này, tại huyện Từ Liêm, địa phương đứng đầu bảng về số vụ vi phạm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương thống kê, rà soát và tiến hành giải tỏa những trường hợp vi phạm gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan diện rộng. Các xã Mỹ Đình, Mễ Trì và thị trấn Cầu Diễn đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa một số trường hợp vi phạm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì Nguyễn Hữu Quyết, từ nay đến cuối tháng 2-2011, UBND xã tiếp tục thống kê, rà soát hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với 14 trường hợp khác. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Hànộimới, Chánh Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm Chu Văn Đức lo ngại bởi tình trạng tái lấn chiếm sau khi giải tỏa bằng những thủ đoạn tinh vi và diễn ra không kể ngày, đêm. "Khi lập biên bản xử lý thì vắng chủ nên không đủ thủ tục cưỡng chế. Lợi dụng lúc này, đối tượng vi phạm tiến hành tập kết vật liệu, xây dựng vào ban đêm, ngày nghỉ nên rất khó kiểm soát. Tinh vi hơn, đối tượng còn trồng cây xanh, làm tường bao quanh bằng tôn, vải bạt để che chắn, phía bên trong thì tiến hành xây dựng - ông Đức phân trần. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, đối tượng vi phạm nhằm mục đích "làm nản lòng" các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Ngoài ra, hiện tượng sang nhượng trái phép, tranh giành quyền lợi đất đai ở khu vực này cũng đang làm các nhà quản lý đau đầu. Ông Chu Văn Đức tiết lộ, đã xuất hiện những đối tượng buôn đất, lợi dụng chức quyền, mối quan hệ để hợp thức hóa mảnh đất vi phạm. Đáng ngại hơn trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ "thanh toán" lẫn nhau bằng dao xuất phát từ quyền lợi đất đai vi phạm mà không rõ chủ là ai.

Ở một khía cạnh khác, bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết, khi phát hiện vi phạm, công ty tiến hành lập biên bản nhưng không ít địa phương lại thiếu hợp tác, dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý hoặc bỏ mặc. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương lại băn khoăn bởi Công ty Thủy lợi sông Nhuệ chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, cụ thể là thanh tra xây dựng trong kiểm tra, xử lý.

Vi phạm hành lang sông Nhuệ đã đến mức báo động, rất cần chính quyền sở tại trực tiếp phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành Pháp lệnh Đê điều. Nếu trường hợp cố tình chây ỳ, thì kiên quyết cưỡng chế theo luật định, bảo vệ hành lang đê điều và an toàn cho nhân dân Thủ đô.

Thu Hằng - Ngọc Minh