Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 11/01/2011

(HNM) - Công ty A đang hoạt động, nay muốn tạm ngừng kinh doanh có được không? Nếu được, cần làm những thủ tục gì, thời gian tạm ngừng tối đa là bao lâu?

Bế Công Sơn

Luật sư Vũ Thái Hà
(Công ty Luật TNHH YouMe, email: info@youmevietnam.com) trả lời:

Theo quy định tại Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 57 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, nếu công ty A không thể tiếp tục hoạt động thì có quyền tạm ngừng kinh doanh. Việc tạm ngừng kinh doanh phải được thông báo bằng văn bản tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tối đa được pháp luật quy định đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh là hai năm. Mỗi lần tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh đã thông báo, nếu công ty tiếp tục tạm ngừng kinh doanh, thì phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Để tạm ngừng kinh doanh, công ty cần làm hồ sơ gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ thông báo gồm: thông báo tạm ngừng kinh doanh (thông báo phải có đủ nội dung: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh; thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn tạm ngừng; lý do tạm ngừng; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp); quyết định và biên bản họp của hội đồng thành viên, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của đại hội đồng cổ đông, nếu là công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh, nếu là công ty hợp danh.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động (nếu có), trừ trường hợp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.