Đến hẹn… lại chạnh lòng
Giáo dục - Ngày đăng : 07:14, 11/01/2011
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Thời điểm này, khi được hỏi về mức hỗ trợ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, hầu hết GV các trường đều ngậm ngùi, lắc đầu: Chưa biết! Đem băn khoăn ấy hỏi lãnh đạo các phòng GD-ĐT thì được trả lời: Tùy các trường.
Ở mỗi trường học lại có cách thức và mức hỗ trợ tết cho GV khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Mỗi nơi có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm trong năm khác nhau, trường có mặt bằng thì cho thuê dịch vụ, trường lại không có nguồn thu nào khác… Vì thế, nguồn hỗ trợ trích từ ngân sách chi thường xuyên vẫn là cơ bản nhất. Tuy nhiên, với khoảng 20% trong tổng chi ngân sách để xoay sở cho hàng chục đầu việc phục vụ hoạt động của trường thì đến cuối năm, không phải trường nào cũng dành dụm được để hỗ trợ GV. Nói như một vị cán bộ phòng GD-ĐT thì các trường ở trong tình trạng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
Việc lo tết cho giáo viên cần có sự chung tay từ các cấp quản lý. Ảnh: Trung Kiên |
Theo tìm hiểu, mức thấp nhất của các trường trên địa bàn quận Cầu Giấy cho mỗi GV khoảng hơn 1 triệu đồng, cao nhất có thể 3-4 triệu đồng. Đây cũng là mức phổ biến tại các quận nội thành như Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân… Ông Lê Hồng Vũ, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ cho biết, từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho GV của các trường không có khoản tiền thưởng tết. Nguồn thu chủ yếu của trường là học phí lại quá thấp nên chỉ đủ chi lương cho GV, không có kinh phí hỗ
trợ thêm. Vì vậy, khái niệm "thưởng tết" trong ngành giáo dục gần như không tồn tại… Tuy nhiên, do được giao quyền tự chủ, nên phần hỗ trợ tết cho GV các trường THPT có phần nhỉnh hơn so với các cấp học dưới. Đơn cử như ở Trường THPT Tây Hồ, mỗi GV được hỗ trợ trung bình khoảng 3 triệu đồng, cao nhất là 5 triệu đồng, tùy theo hiệu quả công việc. Tuy nhiên, theo "bật mí" từ ban giám hiệu, đó là do phần lớn GV của trường đều còn trẻ, hệ số lương thấp, trường không sử dụng hết phần kinh phí để chi lương nên để dành được.
Còn Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình cho biết, trường có tới 33% số người có mức lương vượt khung nên kinh phí chi lương và bảo hiểm xã hội đã chiếm tới 82% nguồn thu. Phần chi cho các hoạt động giáo dục của trường phải cố gắng lắm mới ổn nên kinh phí dành cho thưởng không nhiều.
So với các trường vùng thuận lợi, những đơn vị ở khu vực Hà Nội mở rộng có một khoảng cách khá xa. Gần trung tâm nhất như Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông), dự kiến mỗi GV được hỗ trợ 500 nghìn đồng. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Anh, đây là mức phổ biến ở các trường cùng địa bàn và đã cao hơn gần gấp đôi so với năm ngoái. Còn Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Minh Châu, xã Minh Châu - một xã đảo giữa sông Hồng (Ba Vì) thì ngậm ngùi: Nhiều năm nay, GV không nhận được chính sách đặc thù nào, cuộc sống người dân còn nghèo nên cũng không thể hỗ trợ, vậy mà các thầy, cô vẫn hết lòng với đám trẻ vùng bãi. Năm trước, cố lắm, trường cũng hỗ trợ cho GV khoảng 200-300 nghìn đồng, gọi là động viên. Còn năm nay, tới giờ vẫn chưa biết phải xoay sở ra sao. Xót xa lắm, chẳng mấy người háo hức khi tết đến.
Làm sao để hết chạnh lòng?
Còn nhớ, vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã viết thư kêu gọi các địa phương, nhà hảo tâm chung tay lo tết cho GV, để "ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi tết đến". Đã có hàng chục tỷ đồng được quyên góp, gửi tới những gia đình thầy, cô giáo còn khó khăn. Ở nhiều trường, nhờ sự góp sức của phụ huynh, Quỹ Hội Cha mẹ học sinh cũng cố gắng dành cho GV những phần quà động viên, nhưng không phải ai cũng được chăm chút như vậy. GV chủ nhiệm thường được quan tâm chu đáo hơn nhiều so với GV bộ môn, song mức phổ biến cũng chỉ khoảng 400-500 nghìn đồng. Không một tiếng phàn nàn, nhưng những thầy, cô giáo khi được hỏi đều không ngăn nổi tiếng thở dài. Vẻ như, điều đó đã ít nhiều chạm tới lòng tự trọng của những người làm nghề dạy học.
Hoàn Kiếm có lẽ là quận hiếm hoi nhất đến thời điểm này đã họp thông qua mức hỗ trợ tết cho GV với mức tối thiểu là 1,2 triệu đồng/người, tối đa là 2 triệu đồng/người, không phân biệt hợp đồng hay biên chế. Những trường chi tiêu tiết kiệm có thể thưởng thêm cho GV, nơi khó khăn sẽ được quận hỗ trợ. Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, phần kinh phí này, dù chưa nhiều, song cũng mong khỏa lấp bớt những lo lắng của GV, nhất là những người đang làm việc tại nơi khó khăn khi tết đến.
Làm sao để GV cũng được hưởng tiền thưởng tết như ở các ngành khác? Ông Phương Văn Trò, Phó Chủ tịch xã Minh Châu (Ba Vì), người đã gắn bó cả cuộc đời với xã đảo nghèo vẫn luôn trăn trở: Nghề giáo là một nghề cao quý, những cống hiến của họ đáng được xã hội ghi nhận một cách công khai, xứng đáng chứ không phải từ tấm lòng hảo tâm. Cùng quan điểm này, đại diện lãnh đạo các nhà trường cho rằng, việc lo tết cho GV cần có sự chung tay từ các cấp quản lý, không nên để các trường tự xoay sở, gây khó cho hội phụ huynh, khiến các thầy, cô thêm chạnh lòng. Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan nên tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ tết cho GV hoặc có thể quy định bằng một tỷ lệ nào đó trong định mức ngân sách chi thường xuyên cho các nhà trường. Nguồn kinh phí lo tết cho GV có thể huy động sự góp sức của xã hội, song ngân sách nhà nước vẫn nên đảm nhận phần lớn. Có như vậy, nguồn thưởng tết cho GV mới ổn định, bớt đi những tiếng thở dài…