1.377 đại biểu dự Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 15:39, 10/01/2011
Ông Tô Huy Rứa phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bắc Son, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội XI cho biết, tham dự ĐH XI có 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng.
Ngoài số đại biểu chính thức, Đại hội còn mời các vị nguyên là Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện nhân sĩ, trí thức tiêu biểu; đại diện thế hệ trẻ và các vị Ủy viên Ủy ban kiểm tra TƯ khóa X đến dự Đại hội XI. Đại hội cũng mời các đại sứ, đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tham dự.
Chủ đề của Đại hội XI là "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Tại Đại hội XI, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành TƯ khóa X trình Đại hội XI của Đảng (đánh giá kết quả thực hiện phương hướng, nhiệm vụ 5 năm qua; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Bầu Ban chấp hành TƯ khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2015), cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội.
Đáng chú ý, Dự thảo Cương lĩnh 2011 khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Về đặc trưng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, Đảng và nhân dân Việt Nam ra sức phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dự thảo Cương lĩnh 2011 xác định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành TƯ khóa X trình Đại hội XI cũng đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Trên cơ sở đó, Dự thảo báo cáo chính trị nêu một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu 5 năm 2011-2015, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,0-7,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 là 2.000 USD, gấp 1,7 lần năm 2010; cơ cấu GDP nông nghiệp là 17-18%, công nghiệp và xây dựng 41-42%; dịch vụ 41-42%; sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.
Được biết, Đại hội XI sẽ tiến hành bầu Ban chấp hành TƯ khóa mới là những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có uy tín trong Đảng, trong xã hội; có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại hội phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc, tỷ lệ cán bộ khoa học trong Ban chấp hành TƯ khóa XI bảo đảm có tính kế thừa, số mới không dưới 1/3 và có 3 độ tuổi.
Ngày mai, 11/1, ĐH Đảng XI sẽ họp phiên trù bị để thông qua chương trình, quy chế làm việc của Đại hội, bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Phiên chính thức sẽ họp từ ngày 12 đến 19/1.
Tham gia đưa tin về ĐH Đảng XI có 621 phóng viên trong nước và 128 phóng viên nước ngoài cùng trợ lý. Được biết, phiên khai mạc, bế mạc và một số phiên khác của Đại hội sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV. |