Khi nông dân là "nghệ sĩ"
Văn hóa - Ngày đăng : 07:36, 09/01/2011
Đã 45 năm kể từ ngày nghệ thuật tuồng được "gieo mầm" ở Dương Cốc, "máu" tuồng vẫn không ngừng chảy và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân trong các dịp lễ, tết, hội làng và ngay cả trong cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình.
Ngày làm ruộng, đêm hát tuồng
Không phải là nơi sản sinh ra nghệ thuật tuồng, cũng không phải là đoàn tuồng chuyên nghiệp, nhưng tình yêu tuồng của người dân Dương Cốc thì không đâu sánh được. Người Dương Cốc đa phần nghề nông nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, nhạy cảm trước nghệ thuật. Cũng bởi vậy mà bất kỳ môn nghệ thuật nào du nhập vào Dương Cốc cũng được trân trọng, mê say. Theo các cụ cao niên trong làng, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, ba môn nghệ thuật là cải lương, chèo và tuồng theo chân các đoàn nghệ thuật về sơ tán đã du nhập vào địa phương. Trong 3 môn đó thì tuồng gắn bó với người Dương Cốc hơn cả, bởi đó là môn nghệ thuật được truyền dạy bài bản và được người dân yêu thích nhất. Từ đó, tuồng cứ dần dần thấm sâu vào máu người dân, như duyên phận trời định. Trong chiến tranh, đội tuồng làng Dương Cốc vừa sản xuất, chiến đấu vừa đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Thời bình, họ diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của chính bà con trong làng và đi lưu diễn ở nhiều nơi. Đến nay, trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, tình yêu tuồng ở Dương Cốc vẫn chưa hề giảm. Trong các dịp lễ, tết, hội làng... không cần thù lao, cũng chẳng có danh phận nhưng chỉ cần nghe tiếng trống tuồng giục giã là những "nghệ sĩ" nông dân lại tề tựu tập tuồng đến một hai giờ sáng mới thôi" - ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc cho biết.
Làng tuồng Dương Cốc. |
Dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, ánh đèn sân khấu tuồng ở Dương Cốc lại rực sáng. Những người dân cày ban ngày miệt mài trên đồng ruộng, hay tất bật với công việc chợ búa mưu sinh thì tối đến trở thành những cô Bằng duyên dáng (vở Cô gái sông Tích), Trần Bình Trọng oai phong (vở Trần Bình Trọng), người chiến sỹ (vở Nắng soi dòng suối Pang Pơi)… Với họ, niềm đam mê tuồng dường như đã ngấm vào máu, vào tâm hồn. Chẳng thế mà nhiều người trong làng đều thông thạo các tích tuồng, các vai diễn xướng.
Chúng tôi tìm đến gia đình "nghệ sĩ" tuồng Bích Hảo, Huy Thường, hai diễn viên "gạo cội" của đội tuồng Dương Cốc đúng lúc bà Hảo đang tất bật sắp hàng ra chợ chiều. Nghề mưu sinh của ông bà Hảo là bán thịt lợn nhưng sự nhọc nhằn cố gắng cũng chỉ để phục vụ cho niềm đam mê tuồng của gia đình. Gắn bó với tuồng đến nay đã bốn chục năm, không quản nắng mưa, ông bà cùng đội tuồng của làng đã công diễn hàng nghìn buổi, phục vụ hàng vạn người xem với hơn 40 vở diễn từ tuồng cổ, tuồng lịch sử đến tuồng hiện đại.
Khát khao giữ tuồng
Câu lạc bộ tuồng của thôn Dương Cốc đến nay có 24 diễn viên, nhạc công thường xuyên sinh hoạt. Lý giải nguồn cơn đam mê hát tuồng, ông Thường tiếp lời: "Vợ chồng tôi yêu nhau, lấy nhau cũng nhờ tuồng nên không muốn phụ nghĩa với truyền thống hát tuồng của làng. Nhiều lúc cuộc sống khó khăn, đã có lúc chúng tôi nghĩ đến bỏ tập nhưng rồi khi không được hát tuồng chúng tôi cảm tưởng như mất mát một cái gì đó mà không thể diễn tả được. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng trống là thấy rạo rực trong người, không đi không được". Năm nay ông Thường đã bước sang tuổi 61 còn bà Hảo tuổi 59 nhưng hai nghệ sĩ không chuyên này vẫn giữ được lối hát khách, hát nam, hát nam khan, nam du... là những lối hát được coi là khó nhất trong nghệ thuật tuồng. Đặc biệt, trong câu lạc bộ còn có nhiều gia đình cả ba thế hệ cha, con, cháu gắn bó với tuồng như gia đình ông Nguyễn Ngọc Bỉnh, ông Nguyễn Hữu Thiết... Tuồng được bảo lưu và phát triển ở Dương Cốc mang một nét đặc trưng của tuồng Nam đậm đặc vốn cổ, không hề bị lai tạp, không môt chút cải biên dù những người đưa tuồng vào Dương Cốc chủ yếu là những nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trên đất Bắc.
Yêu tuồng là vậy xong những "nghệ sĩ" nông dân vẫn không giấu được những băn khoăn. Hàng trăm bằng khen, huy chương vàng được tặng thưởng cho cá nhân và tập thể qua các lần Hội diễn nghệ thuật quần chúng. Gần đây nhất là giải đặc biệt hội diễn tuồng không chuyên tổ chức tại Nha Trang năm 2003, Huy chương Vàng vở diễn "Nắng soi dòng suối Pang Pơi" năm 2006, tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, đến nay những người làm nghệ thuật ở Dương Cốc vẫn chưa được một cấp, ngành nào ghi nhận những đóng góp của họ cho sự nghiệp phát triển văn hóa địa phương. Cũng có lẽ bởi vậy mà dù còn nhiều người thích tuồng nhưng người theo học tuồng thì ngày càng ít. Trong khi đó, các thế hệ diễn viên, nhạc công trong câu lạc bộ tuồng của thôn nhiều người đã đến tuổi xế chiều. Họ luôn e ngại thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng như lớp cha anh. Nhằm giúp thế hệ trẻ thấy được giá trị một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, các thành viên trong câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc đang cố gắng duy trì đều đặn hoạt động của đội tuồng. Tuy nhiên, nếu không có sự chung tay vun đắp kịp thời của các ngành chức năng thì nguy cơ mai một nét văn hóa độc đáo này cũng sẽ là điều có thể xảy ra.