Tập trung giải quyết “bài toán đô thị”

Công nghệ - Ngày đăng : 06:58, 09/01/2011

(HNM) - Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, Hà Nội không phải quá lo lắng việc tìm địa điểm xây dựng thêm bãi chứa rác, thay vào đó rác được chuyển vào nhà máy để làm ra điện. Giấc mơ đó có thể sẽ trở thành hiện thực trong vòng 10 năm tới, vì TP đang xây dựng một đề án để làm việc này. Nhiều sản phẩm công nghệ khác cũng được xác định sẽ làm nên một Hà Nội hiện đại, văn minh trong tương lai.

Nhu cầu tất yếu

Năm 2010, Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 11%. Mức tăng trưởng có thể cao hơn thế nếu các doanh nghiệp (DN) Thủ đô có trình độ công nghệ sản xuất cao hơn hiện tại.

Điều người dân chờ đợi nhất từ đề án này chính là những công nghệ và sản phẩm công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... Ảnh: Thu Giang

Điểm yếu của các DN Hà Nội là những lĩnh vực công nghệ được coi là mang tính mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu… chưa phát triển mạnh. Công nghệ tự động hóa trong ngành công nghiệp còn hạn chế. Các DN mạnh chưa nhiều, các chuyên gia giỏi còn ít. Đội ngũ các nhà khoa học, trí thức đông nhưng thiếu những người "đầu tàu", thiếu các chuyên gia nghiên cứu có tầm cỡ khu vực và thế giới để đề xuất, tổ chức nghiên cứu hiệu quả. Mối liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và DN sản xuất chưa được quan tâm nhiều để khai thác thế mạnh của cả hai. Đây là những đúc rút của cả các nhà khoa học và nhà quản lý của Hà Nội, cũng là những mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế này, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng đề án phát triển công nghệ mũi nhọn và các sản phẩm công nghệ ưu tiên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2010-2020. Đề án nhằm đẩy nhanh lộ trình đổi mới công nghệ, sản xuất và kinh doanh, phục vụ mục tiêu CNH, HĐH Thủ đô. Trong đó 5 lĩnh vực được lựa chọn phát triển các ứng dụng và sáng tạo các sản phẩm công nghệ gồm cơ khí - tự động hóa - điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và công nghệ môi trường. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở dạng định hướng, chưa xây dựng được lộ trình, cách làm cụ thể, nguồn lực thực hiện, nhưng việc ra đời đề án cho thấy nhu cầu tất yếu để đô thị Hà Nội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại không thể thiếu yếu tố công nghệ, càng không thể chỉ trông chờ vào chuyển giao công nghệ hay các ngoại lực khác. Chính TP cần chủ động tổ chức tiếp nhận và sáng tạo công nghệ để phục vụ phát triển.

Tập trung giải quyết "bài toán đô thị"

Điều đáng chờ đợi nhất từ đề án này chính là những công nghệ và sản phẩm công nghệ nhằm giải quyết khá nhiều "bài toán đô thị" hiện nay như ùn tắc giao thông, ngập lụt đường phố, ô nhiễm môi trường…

Nghiên cứu vật liệu mới tại Phòng vật liệu polyme, Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: TTXVN

Trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa - điện tử, Hà Nội dự định chế tạo máy phát điện từ rác thải, máy phát điện sử dụng năng lượng gió, hệ thống sản xuất điện năng lượng mặt trời và máy phát điện tiết kiệm năng lượng nhờ sự kết hợp ắc quy... Với những sản phẩm này, TP sẽ đồng thời giải quyết được rất nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay như việc thu gom và xử lý rác thải. TP đang bị quá tải về rác, nhu cầu về địa điểm chứa rác cũng tăng lên từng ngày, trong khi công nghệ xử lý rác lại rất lạc hậu. Một hệ thống xử lý rác kiêm sản xuất điện từ rác sẽ là cứu tinh cho Hà Nội. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, TP cũng sẽ tập trung vào mảng xử lý và bảo vệ môi trường với ưu tiên các ứng dụng công nghệ để chuyển chất thải sinh hoạt và chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học, công nghệ vi sinh xử lý nước thải, bảo vệ các nguồn nước mặt, nước ngầm... Đối với lĩnh vực vật liệu mới, TP sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất sản phẩm màng lọc hóa học để xử lý nước, màng phủ nhà kính có khả năng tách ánh sáng, tăng khả năng quang hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, bao bì, túi nilon tự phân hủy, màng phủ nông dụng tự phân hủy, dầu mỡ, chất bảo quản, vật liệu diệt khuẩn thân thiện môi trường sẽ là các sản phẩm được ưu tiên phát triển tại Hà Nội.

Một mảng sản phẩm rất đáng lưu tâm nữa có trong đề án là hướng tới việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập. Hà Nội dự định ứng dụng công nghệ tự động quản lý mạng lưới giao thông công cộng từ điều hành, tổ chức các tuyến, điểm, nút đến tự động quản lý vé, tự động cung cấp thông tin cho hành khách. Cùng với đó là các sản phẩm cảnh báo, truyền tin về ùn tắc giao thông, úng ngập đường phố, hướng dẫn các lối đi tránh. TP dự định xây dựng hệ thống tự động kiểm tra, giám sát, điều khiển hệ thống thoát nước. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm phần mềm mô phỏng các điểm đen và các tình huống giao thông nguy hiểm trên địa bàn để hỗ trợ quản lý giao thông, cảnh báo cho người dân.

Với 5 lĩnh vực, Hà Nội dự kiến sẽ có hàng trăm ứng dụng công nghệ mũi nhọn và sản phẩm công nghệ ưu tiên. Điều này cho thấy tính chất toàn diện của đề án và nếu được thực hiện tốt sẽ tác động toàn diện đến diện mạo của đô thị Thủ đô trong tương lai. Nhưng một đề án quá toàn diện lại rất dễ dàn trải, thiếu điểm nhấn. Phải chăng nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề đô thị như người viết đã móc nối được trên cơ sở 5 lĩnh vực mà đề án phân loại như trình bày ở trên.

Võ Lâm