Bội thu trong cơn khủng hoảng

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 08/01/2011

(HNM) - Năm 2010 dẫu không thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, song Cụm cảng biển số 5 (cách gọi trong đồ án quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam) bao gồm các cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai vẫn hoạt động sôi động hơn bao giờ.

Bốc xếp hàng ở cảng Hiệp Phước.


"Gánh" 50% lượng hàng hóa
 Chỉ là các cảng biển của 3 địa phương nhưng Cụm cảng biển số 5 đã "gánh" khoảng 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, đồng thời là tư vấn lập quy hoạch Cụm cảng biển số 5 nhấn mạnh: Điều này cũng không quá khó hiểu bởi TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi hoạt động kinh tế luôn sôi động nhất nước.

Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày cuối năm này, giữa trưa mà xe container vẫn rầm rập đưa hàng vào và đón hàng ra ở Tân Cảng Cát Lái. Ở đây dường như không có giờ nghỉ, ngày nghỉ… Hồ hởi, ông Phạm Đức Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tân Cảng Cát Lái cho biết, cảng đã hoạt động hết công suất. Năm nay, lượng hàng hóa tới cảng đã lên tới 2.550.000 teu trong khi đó công suất của cảng là 2.500.000 teu. Cảng này vẫn giữ ngôi vị đầu bảng so với toàn bộ cảng biển đang hoạt động từ Nam ra Bắc. Đến giờ lượng container ra, vào cảng vẫn chiếm hơn 70% lượng container các cảng biển ở khu vực phía Nam và trên 40% so với tất cả cảng biển trên toàn quốc. Năm 2010 Tân Cảng Cát Lái đạt mức doanh thu trên 4.635 tỷ đồng, tăng 37,2% so với năm 2009. Đây là mức tăng kỷ lục trong lịch sử khai thác của cảng và cũng là mức tăng chưa cảng biển nào trên toàn quốc đạt được.

Cảng Sài Gòn có những khó khăn do nằm sâu trong nội địa, song năm 2010 cũng có nhiều mặt hàng về cảng, tăng mạnh. Điển hình, gạo xuất qua cảng này tăng 86% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm đến 52% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, hàng đóng trong container xuất khẩu tăng tới 97% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu tăng không nhiều song cũng vượt 15% so với cùng kỳ 2009.

Cảng Container quốc tế Sài Gòn (SPCT) vừa đi vào hoạt động ở khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) khoảng một năm nay và hiện đang phải đối đầu với hàng loạt khó khăn như luồng Soài Rạp ra, vào cảng chưa được nạo vét sâu, giao thông đường bộ chưa thuận tiện… Thế nhưng, trung bình mỗi tuần SPCT đã đón được khoảng 10 chiếc tàu, trong đó có nhiều tàu lớn của Nhật, Pháp…

Ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuy còn ngổn ngang xây dựng, song 3 trong số 20 cảng của khu vực đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ khoảng 1 năm nay. Đó là các cảng SP-PSA, Tân Cảng Cái Mép và cảng SITV. Với lợi thế luồng lạch sâu từ 14m-16m, có thể đón tàu đến 120.000 tấn, nên 3 cảng nêu trên đã đón nhiều chuyến tàu lớn đi thẳng từ Việt Nam đến châu Mỹ, châu Âu và nhiều nước Trung Đông. Nhiều hàng hóa của các nước bạn như Lào, Campuchia… cũng đã được trung chuyển qua Cái Mép - Thị Vải trước khi đi các nước khác. Hoạt động cảng biển ở khu vực này đang bắt đầu sôi động.

Khó nhất: Giao thông
Trong khi hoạt động kinh doanh cảng rất sôi động thì hoạt động đầu tư cho hệ thống giao thông phục vụ cảng lại khá… trầm lắng. Tại TP Hồ Chí Minh, liên tỉnh lộ 25B - con đường huyết mạch đi vào Tân Cảng Cát Lái vẫn luôn quá tải tuy rằng TP đã nỗ lực gỡ được hai nút thắt cổ chai lớn trong tuyến đường này là nút ở ngã ba Cát Lái và ở cầu Giồng Ông Tố. Tuy nhiên, theo kế hoạch, phải mất cả năm nữa, việc mở rộng thêm liên tỉnh lộ 25B mới có thể hoàn thành. Rồi nữa, đường trục Bắc - Nam, con đường nối từ hệ thống cảng biển Hiệp Phước ra Đại lộ Nguyễn Văn Linh để đi về các địa phương khác đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt, trục đường D3 đưa cảng Sài Gòn Hiệp Phước tiếp cận với các trục đường giao thông khác vẫn  chưa được xây dựng. Cảng Sài Gòn đã buộc phải kiến nghị cơ quan chức năng làm nhanh con đường này.

Tại Cái Mép - Thị Vải, nhiều hệ thống đường nội bộ, đường kết nối với các trục đường huyết mạch khác vẫn chưa hoàn chỉnh. Quốc lộ 51 kết nối với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tại Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh chưa thông thoáng. Tất cả đã và đang là cản trở hoạt động rất sôi động của hệ thống Cụm cảng biển số 5.

An Nhiên