Đừng để “thắt trên, phình dưới”
Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 08/01/2011
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Sở Xây dựng. Ảnh: Linh Tâm |
Những thành công bước đầu
Đề án 30 được triển khai từ ngày 1-1-2007, đến nay đã đi vào giai đoạn đơn giản hóa các TTHC ưu tiên theo hướng sửa trực tiếp 14 luật, 3 pháp lệnh, 44 nghị định và gần 100 quyết định của cấp bộ gây khó khăn, rủi ro cho người dân và doanh nghiệp (DN). Sau đợt rà soát lần gần đây nhất, Chính phủ đánh giá việc cắt giảm TTHC đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều thủ tục không cần thiết, thiếu hợp pháp đã được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Đơn cử như khâu đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp của BHXH Việt Nam đã được ghép từ 4 thủ tục khác. 16 TTHC trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ của Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã được bãi bỏ.
Đặc biệt, việc miễn phí xây dựng từ ngày 1-2-2011 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 80/2010/QĐ-TTg đã góp phần giảm chi phí và khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng công trình, bảo đảm sự công bằng và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Cải cách ở lĩnh vực hải quan như mở rộng khai hải quan điện tử, thông quan bằng hải quan điện tử… giảm 655 tỷ đồng/năm cho DN. Các lĩnh vực khác như ngân hàng, TNMT cũng có những con số tính toán của Tổ công tác rà soát TTHC cho thấy số tiền giảm bớt cho người dân và DN đều từ hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Và nạn đẻ thêm thủ tục
Không ai có thể phủ nhận quyết tâm của Chính phủ trong việc rà soát TTHC để phá bỏ dần những rào cản trong quá trình phát triển đất nước. Song, những con số thống kê mới chỉ là kết quả một chiều của nhóm rà soát từ TƯ đến địa phương. Người dân và giới DN đòi hỏi phải cụ thể hóa các tính toán này. Hiện nay, những bức xúc liên quan sát sườn đến đời sống của họ chưa được giải quyết. Đó là nạn gửi xe giá cao đang rất phổ biến ở bệnh viện, điểm vui chơi trên địa bàn các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội)... Thủ tục làm lại sổ đỏ cơ quan cấp trên hướng dẫn đơn giản nhưng quá trình triển khai ở tuyến quận, huyện, đặc biệt là những thủ tục đầu tiên ở xã, phường, còn phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dẫn ra phân tích của dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam cho thấy, ở Hà Nội và Vĩnh Phúc, mô hình "một cửa" về TTHC đã không đơn giản hóa được quy trình đăng ký kinh doanh, vì để cấp được giấy phép, DN tương lai phải làm việc không dưới 3 "cửa" khác nhau ở cấp tỉnh.
Do vậy, để giải quyết triệt để căn bệnh TTHC phiền hà, không thể chỉ bằng lòng với sự ra đời các nghị quyết xác định các TTHC cần phải sửa đổi, hủy bỏ ở tầm vĩ mô. Điều quan trọng là phải ngăn chặn tình trạng không ít địa phương lợi dụng việc pháp luật hiện hành cho phép ban hành các thủ tục phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước để đẻ ra hàng nghìn thủ tục mà người dân thường gọi là "giấy phép con", khiến mô hình "một cửa liên thông" còn nặng tính hình thức. Điều này cũng có nghĩa, việc đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 không chỉ phụ thuộc ở tổ công tác, hay mới đây nhất là Vụ Giám sát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ, các đơn vị cấp dưới, thanh tra công vụ… mà còn cần có vai trò liên kết, phản tố, hợp tác của các đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cải cách, là người dân và cộng đồng DN. Nếu thiếu những cuộc đối thoại hai chiều về chính sách, việc cắt giảm TTHC có thể dẫn đến hiện tượng chính sách không nhất quán, "cắt trên, phình dưới". Quan điểm này cũng nằm trong các khuyến nghị OECD chuyển đến Chính phủ Việt Nam. Đó là cần xây dựng một chính sách đơn nhất, chi tiết, công khai để thúc đẩy chính sách thể chế xuyên suốt trong bộ máy Chính phủ.
Từ ngày 6-1-2011, Tổ công tác cải cách TTCP của Thủ tướng Chính phủ chấm dứt hoạt động, thay vào đó là Cục Kiểm soát TTHC. Nhiệm vụ của đơn vị này được mở rộng gấp 4 lần so với Tổ công tác hiện nay. Ngoài việc rà soát theo chuyên đề hằng năm thì nhiệm vụ quan trọng của Cục là "gác cửa" từ khâu dự thảo. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về những cơ chế, chính sách không còn phù hợp; sự chậm trễ nhũng nhiễu trong thực hiện giải quyết TTHC, những sáng kiến của người dân về cải cách. Đây là cơ sở giúp Chính phủ phản ứng linh hoạt hơn đối với chính sách đã ban hành, giảm thiểu sự tùy tiện trong giải quyết TTHC. |