“Nóng” chuyện mô hình và trụ sở
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 08/01/2011
Các nhà xuất bản phải lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện phát triển theo từng thời kỳ. Ảnh: Nguyệt Ánh |
1. Mô hình NXB: Mỗi nhà một cảnh
Chuyện đã được xới xáo kỹ tại Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản NXB năm 2009, đến hội nghị năm 2010 vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của những người làm xuất bản. Bởi lẽ trong số 60 NXB của ta hiện nay, mô hình hoạt động của mỗi "nhà" một kiểu. 11 "nhà" theo loại hình doanh nghiệp, 9 "nhà" chuyển sang Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, 1 "nhà" ở dạng công ty mẹ - công ty con; 39 NXB khác hoạt động theo mô hình sự nghiệp và trong số này có một số "nhà" tự bảo đảm một phần chi phí, số khác tự trang trải 100%.
Câu chuyện "loạn mô hình" đang ảnh hưởng trực tiếp đến phương hướng hoạt động, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của NXB và hiệu quả kinh tế. Nói riêng các NXB chuyển sang mô hình Công ty TNHH một thành viên, không có sự thay đổi rõ nét, "bình mới rượu cũ" nên phát sinh yếu tố gây mất ổn định. Bởi thế mà hiện nay, ngoài NXB Khoa học kỹ thuật, NXB Thống kê và NXB Hải Phòng đã "lối cũ ta về" thì NXB Hà Nội cũng đang tính trở lại mô hình sự nghiệp có thu.
Sự lúng túng "đi không đặng, về chẳng xong" âu cũng là cái giá tất yếu phải trả trong quá trình tìm đường phát triển. Muốn thành công ty thì lại phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2010), lợi nhuận là mục tiêu chính. Vậy thì, làm sao thực hiện được sự chỉ đạo của Ban Bí thư "Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân…".
2. Hiệu quả là quan trọng nhất
Cần phải ghi nhận rằng, 6 tháng cuối năm 2010, các NXB đã phần nào vượt qua tình trạng "lỗ một nửa" hoặc chỉ có số lãi "không bằng một hàng phở" như đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Rõ ràng, mô hình nào cũng phải gắn với thực tế, hoàn cảnh cụ thể của mỗi "nhà". Không phải ngẫu nhiên mà Ban Bí thư đã có thông báo tạm dừng việc chuyển đổi mô hình NXB sang Công ty TNHH một thành viên. Không kể NXB Giáo dục, đơn vị đạt mức doanh thu hơn 25 tỷ đồng vào năm 2008, một số "nhà" khác chỉ có doanh thu vài tỷ/năm và phần đông có mức lãi dưới 50 triệu đồng/năm. Hiệu quả khiêm tốn thế mà "bơi" trong thương trường khắc nghiệt thì với các NXB, phần thua dễ thấy hơn phần thắng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ đề xuất mô hình NXB trong tình hình mới và những điều kiện kèm theo khi chuyển đổi theo lộ trình của Chính phủ. Báo cáo của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản cũng nêu rõ: "Mô hình NXB hoạt động hiệu quả nhất là sự nghiệp có thu vì mục tiêu chính là phục vụ nhiệm vụ chính trị, đúng với chỉ đạo của Đảng; thực hiện được vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đối với các NXB". Báo cáo này còn khẳng định đối với mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, chỉ áp dụng chuyển đổi đối với các NXB có đủ điều kiện như quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, điều cần nhất là căn cứ vào tình hình thực tế, từng giai đoạn phát triển của các "nhà" để chọn mô hình phù hợp. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ với Hànộimới: "Chọn mô hình nào thì vấn đề quan trọng nhất là nó có hoạt động tốt hay không, có tương thích với điều kiện cụ thể của từng NXB hay không? Và dù áp dụng mô hình nào thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sách có hiệu quả, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình, ứng xử đàng hoàng với tác giả, độc giả".
3. Không thể thiếu vai trò cơ quan chủ quản
Câu chuyện mô hình nói trên phần nào cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan chủ quản đối với sự tồn tại, phát triển NXB, điều đã được khẳng định rõ trong Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Tại Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản cuối năm 2010 vừa qua, lãnh đạo Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan chủ quản NXB quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện đối với NXB do mình phụ trách, trong đó có việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho NXB thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế.
"Điều giản dị", là có chốn an cư, hóa ra lại là việc khó với nhiều "nhà". Đến nay vẫn còn 16 NXB phải đi thuê trụ sở hoặc ở tạm trong một không gian chật hẹp xuống cấp như các NXB Âm nhạc, Thông tin - Truyền thông, Dân Trí, Hồng Đức, Sân Khấu, Thế giới, Trẻ, Thời đại…
Bên cạnh đó, vấn đề có tính chiến lược đối với sự phát triển của mỗi NXB, là quy hoạch, đào tạo cán bộ, cũng chưa phải đã được các cơ quan chủ quản quan tâm. Trong số lao động toàn ngành xuất bản, số có trình độ từ đại học trở lên chưa đạt mức 50%. Hiện nay, một số cơ quan chủ quản đã chỉ đạo NXB có kế hoạch đầu tư nguồn lực lâu dài. Họ chọn sinh viên giỏi của một số chuyên ngành khoa học cơ bản, cho làm việc thực tế một thời gian rồi tiếp tục cử đi học chuyên môn xuất bản. Tuy thế, nếu đúng tuần tự nói trên thì ít nhất phải mất 5 năm, NXB mới có được người biên tập ưng ý. Một số "nhà" đã được cơ quan chủ quan chỉ đạo thực hiện tốt công việc này là NXB Giáo dục, Chính trị quốc gia, Phụ nữ…
Rõ ràng là dù hoạt động dưới hình thức nào, NXB cũng cần có biên tập viên giỏi. Toàn ngành xuất bản hiện có hơn 1.200 biên tập viên, số có trình độ đại học chiếm tỷ lệ khá cao - trên 95% song tình trạng chảy máu chất xám không phải là không có. Nhiều biên tập viên trẻ, có năng lực đã rời NXB để thành lập công ty riêng, trở thành đơn vị liên kết với chính các NXB. Mà đã là người của công ty, bao giờ họ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu…
Trong khi chờ quyết định của Thủ tướng về vấn đề mô hình, các NXB cần sự quan tâm lớn lao của cơ quan chủ quản, từ cơ sở vật chất đến đào tạo nhân lực…