Bệnh lạ!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:57, 08/01/2011
Chuyện đã xảy ra được mấy ngày. Bệnh lạ, dân hoang mang, dù lâu nay chuyện gia súc chết dịch nghe cũng quen tai rồi. Mà với nhiều loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, bà con ta cũng đã chủ động ứng phó được. Nhưng đận này có vẻ khác vì các triệu chứng của những con vật mắc bệnh chẳng giống thứ gì, nó không ra tai xanh, cũng chẳng như lở mồm long móng.
Đúng là bệnh lạ! Nhưng còn lạ hơn nữa có lẽ là "bệnh" của người có trách nhiệm.
Ai cũng biết, nhà nông chỉ biết trông chờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhà nào chẳng vậy, cả năm chăm chút vào đàn gia súc, gia cầm để khi năm hết tết đến bán đi để có đồng ra, đồng vào sắm sang. Gặp tình cảnh này coi như mất Tết. Thế nhưng, trả lời công khai trên báo chí, cán bộ xã, huyện và cơ quan chức năng thản nhiên cứ như là mình vô can. Xã nói đã báo cáo huyện cả tuần rồi mà huyện chẳng phản hồi. Nhưng chính cán bộ xã cũng chẳng nắm được là gia súc chết ra sao, số lượng bao nhiêu? Cán bộ thú y thì khẳng định ngược lại rằng chưa thấy văn bản nào của xã báo cáo về dịch bệnh thì cũng chỉ phỏng đoán, chưa lấy mẫu và… chờ xét nghiệm. Ngay cả một vị cán bộ cấp sở cũng cho báo chí biết là ông nhận được thông tin rất mơ hồ là chỉ... vài hộ có lợn dịch và dịch cũng chỉ xảy ra trên đàn lợn con theo mẹ, không xảy ra trên lợn thịt và đàn trâu, bò? Vậy là bệnh chưa lạ đã thành bệnh lạ thật. Lạ vì dân thì hoang mang nhưng người có trách nhiệm thì thể hiện rõ thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc né trách nhiệm. Chỉ khổ cho người dân và khổ cho cả xã hội nữa. Nói "dại, sẽ xảy ra tình trạng thế này". Tiếc công tiếc của, dân bán tháo lợn dịch. Con nào chết, bán không được thì mang quẳng ra sông, hồ. Tức là sau cái "dây chuyền" ấy sẽ lại thêm nhiều người phải "ôm" bệnh lạ. Người tiêu dùng phải ăn thịt lợn bệnh, môi trường bị ô nhiễm, phát tán mầm bệnh, nhiều con gia súc lành khác có thể bị mắc bệnh và rồi cả cộng đồng sẽ lại hò nhau chống dịch. Tốn công, tốn của, nhân lực, vật lực là điều dĩ nhiên.
Còn chưa biết đến khi nào mới có kết luận về bệnh dịch ở Liên Mạc, song xem ra cái "bệnh" thờ ơ, thiếu trách nhiệm còn đang nặng thêm. Dân ta vẫn có câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhưng để nước đến tận chân mà chưa nhảy thì e là bệnh đã quá nặng.