Nhiều khách sạn cao cấp sẽ ra mắt ở khu vực phía Tây

Bất động sản - Ngày đăng : 12:30, 07/01/2011

(HNMO) –  Năm 2010 khép lại với việc Hà Nội đón Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, Hà Nội đón 8,62 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,5% so với năm ngoái. Chỉ tính riêng lượt khách quốc tế, Hà Nội đã đóng góp tới 24% tổng lượt khách quốc tế tới cả nước, tương đương 1,23 triệu lượt, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượng phòng khách sạn 3-5 sao của Hà Nội đạt 6.618 phòng.

(HNMO) – Năm 2010 khép lại với việc Hà Nội đón Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, Hà Nội đón 8,62 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,5% so với năm ngoái. Chỉ tính riêng lượt khách quốc tế, Hà Nội đã đóng góp tới 24% tổng lượt khách quốc tế tới cả nước, tương đương 1,23 triệu lượt, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượng phòng khách sạn 3-5 sao của Hà Nội đạt 6.618 phòng.

Trong quý 4/2010, khách sạn mới gia nhập thị trường là Silk Path (phố Hàng Bông, 106 phòng), vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao sau 9 tháng hoạt động. Khách sạn Grand Plaza Hanoi (đường Trần Duy Hưng, 300 phòng đi vào hoạt động trên tổng số 618 phòng) mới khai trương trong quý trước cũng đã được công nhận là khách sạn 5 sao trong quý này.

Tiếp tục xu thế hồi phục, công suất và doanh thu phòng trung bình (RevPAR) trên tất cả các phân khúc đều ghi nhận tăng trưởng so với quý trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao ghi nhận mức tăng trưởng RevPAR cao nhất, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2009, lên 85,5 USD/phòng. Các khách sạn 4 sao lại dẫn đầu về tăng trưởng công suất phòng, lên hơn 10% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 64,55%.

Giá phòng trung bình tại các khách sạn 5 sao tăng nhẹ xấp xỉ 1% so với Quý 4/2009. Trong khi đó, giá phòng trung bình tại khách sạn 4 sao và 3 sao đều ghi nhận sự sụt giảm, lần lượt xấp xỉ 10% và 7%.


Phối cảnh Crowne Plaza West Hanoi, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm.

Ước tính, trong năm 2011 thị trường sẽ đón nhận thêm gần 1.200 phòng khách sạn từ năm khách sạn mới, trong đó có hai khách sạn trong khu trung tâm (Oriental Pearl và Hotel de L’Opera Hanoi) và ba khách sạn ở khu vực phía Tây (Crowne Plaza West Hanoi, Grand Plaza Hanoi, và Keangnam Hanoi Landmark Tower). Năm 2011 sẽ là mốc quan trọng đánh dấu xu hướng khách sạn cao cấp gia nhập thị trường tại khu vực phía Tây mới phát triển.

Theo nhận định của Công ty CBRE Việt Nam, các khách sạn trên sẽ phải trải qua thời gian thử thách trong ít nhất là 2, 3 năm sau khi đi vào hoạt động. Cùng với làn sóng các dự án mới nằm về phía Tây thành phố, thị trường hình thành hai phân khúc rõ rệt hơn: trong đó đối tượng khách thương gia sẽ lựa chọn các khách sạn mới tại khu vực phía Tây và khách du lịch sẽ lựa chọn khách sạn trong khu vực Hoàn Kiếm. Động thái này có thể khiến các khách sạn đang hoạt động phải nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ để phù hợp hơn với từng đối tượng khách hàng.

L.H