Nuôi bò sữa lên ngôi

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 07/01/2011

Năm 2010, trong khi chăn nuôi lợn ở các huyện ngoại thành Hà Nội gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh xảy ra liên tiếp, giá cả bấp bênh, thì người nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm, Thanh Oai... lại có một năm thắng lợi. Tổng đàn bò sữa của TP tăng 21%, năng suất, chất lượng cao, đầu ra bảo đảm và nông dân đang có lãi.


Hình thành bảy vùng nuôi tập trung

Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, cung cấp sản phẩm sữa đạt chất lượng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ năm 2009, thực hiện chủ trương của TP, Trung tâm đã xây dựng thành công 7 vùng nuôi bò sữa tập trung ở 3 huyện ngoại thành, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi, đất đai thuận lợi như Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì), Phù Đổng, Dương Hà, Trung Màu (Gia Lâm) Phượng Cách (Quốc Oai).... Sau hai năm xây dựng, hướng dẫn, giúp đỡ nông dân phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện tại các vùng nuôi bò sữa đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô với tổng đàn đạt hơn 6.200 con, tăng 2.220 con so với đầu năm 2009. Thời điểm này tổng đàn bò sữa của Hà Nội là 8.500 con, tăng 21% so với năm 2009, cung cấp gần 60.000kg sữa tươi mỗi ngày cho các nhà máy, các cơ sở chế biến trên địa bàn. Chất lượng đàn bò được cải thiện đáng kể, số bò già yếu, cho lượng sữa thấp được thải loại thay thế số bò mới năng suất sữa cao. Hiện việc tiêu thụ sữa rất thuận lợi, sản xuất ra được tiêu thụ hết với giá trên 10.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi.

Ông Nguyễn Đình Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (Ba Vì) nơi có đàn bò sữa lớn nhất Hà Nội cho biết, Vân Hòa có 1.233 con bò sữa, tăng 579 con so với năm 2009, nghề nuôi bò sữa đang là hướng đi mang lại lợi nhuận kinh tế cao và ổn định cho người dân nơi đây, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng, với quy mô nuôi 7 - 8 con bò/hộ. Mặc dù, giá thức ăn chăn nuôi trong năm 2010 biến động nhưng do thị trường tiêu thụ sữa đang ổn định, bảo đảm người chăn nuôi có lãi nên nông dân tin tưởng mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô.

Anh Nguyễn Thành Ba, chủ hộ nuôi bò sữa ở huyện Thanh Oai cho biết, trang trại của anh nuôi 20 con bò sữa, trong đó 10 con đang khai thác sữa, trung bình mỗi ngày cho hơn 100kg sữa, tổng chi phí cho một kilôgam sữa khoảng 6.000 đồng (không tính công chăm sóc) nhưng sữa bán được với giá hơn 10.000 đồng/kg, mỗi một kilôgam sữa lãi 4.000 đồng, mỗi tháng trừ chi phí, lãi hơn 30 triệu đồng.

Nỗ lực vượt qua rào cản

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho biết, mặc dù việc tiêu thụ sữa thuận lợi, nhưng nghề nuôi bò sữa ở Hà Nội vẫn còn những trở ngại do chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung... gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh. Trong hai năm trở lại đây, mặc dù dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng nhưng vẫn xuất hiện bệnh ở một số điểm nhỏ lẻ, gây thiệt hại cho nông dân. Hiện tại, những hộ nuôi từ 10-20 con đều dốc hết vốn liếng mua bò, chưa dành kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên có nơi gây ô nhiễm môi trường. Nghề nuôi bò sữa phụ thuộc lớn vào chất lượng con giống, quy mô cũng như kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh, khai thác và thu mua sữa. Việc nuôi phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như doanh nghiệp thu gom, vận chuyển sữa. Chất lượng giống vẫn chưa được kiểm soát, nông dân mua bò giống đánh giá bằng cảm quan, theo kinh nghiệm. Mối liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp thu mua sữa chưa gắn kết chặt chẽ với nhau về quyền lợi, trách nhiệm, cộng với giá thức ăn tăng cao là những thách thức lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của chăn nuôi bò sữa.

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, để tạo điều kiện cho người chăn nuôi bò sữa mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần đưa nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững, Hà Nội đang tích cực phối hợp với các công ty sữa triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân về công tác thú y, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo giống bò sữa tốt, tuyển chọn tổng đàn để yêu cầu thải loại số bò gầy, yếu để nâng cao chất lượng sữa. Các huyện ngoại thành cần đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tiếp nhận những giống bò mới chất lượng để có sản lượng và chất lượng sữa cao. Các địa phương cần khẩn trương quy hoạch đất đai, tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng chuyên canh trồng cỏ, tập huấn kỹ thuật để người chăn nuôi nâng cao kiến thức, làm tốt quy trình sản xuất sữa, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề nghị Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu mua sữa bò tươi cho nông dân với giá cả hợp lý, tránh ép giá ảnh hưởng đến nghề nuôi bò sữa đang phát triển tốt.

Ngọc Quỳnh