Khủng hoảng chính trị tại Pakistan: Chưa đến hồi kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:58, 07/01/2011

(HNM) - Bị chính người cận vệ của mình bắn chết ngay trên đường phố trung tâm thủ đô Islamabad, vụ sát hại vị Tỉnh trưởng Punjap quyền lực Salman Taseer (hôm 4-1) chẳng khác nào một cơn địa chấn mới đối với chính phủ vốn đang lung lay của Pakistan.

Lời khai của kẻ nổ súng cho biết động cơ khiến hắn nhả đạn vào chính người mình phải bảo vệ là do ông Taseer phản đối Luật chống báng bổ tôn giáo tại Pakistan. Cho dù chưa có khẳng định của nhà chức trách về động cơ của kẻ giết người, song tính chất nghiêm trọng của vụ việc cho thấy sự phức tạp của chính trường năm bè bảy phái ở quốc gia Nam Á. Vụ sát hại một thành viên cấp cao của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền không chỉ gây tổn thất nặng nề cho chính phủ của Thủ tướng Yousuf Raza Gilani, mà còn làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị đang âm ỉ tại nước này.

Người dân Pakistan lên án vụ ám sát ông Salman Taseer.

Quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền của đảng Hồi giáo Jamiat-e-Ulema-e-Islam (JUI) hồi tháng 12 năm ngoái do một trong ba bộ trưởng của đảng này bị Thủ tướng Gilani cách chức là chỉ dấu đầu tiên cho sự bất ổn. Tuy nhiên, sự kiện đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) giữ 25 ghế trong quốc hội 342 ghế ở Pakistan tuyên bố tham gia phe đối lập ngày 2-1 mới thực sự là đòn quyết định đặt chính phủ liên hiệp vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Nguyên nhân dẫn đến sự ly tán ngoài mong đợi bắt nguồn từ bất đồng giữa MQM và PPP trên nhiều lĩnh vực như: tăng giá nhiên liệu, tăng thuế và nạn tham nhũng... Sau sự ra đi bất ngờ của chính đảng đại diện cho cộng đồng nói tiếng Urdu chiếm đa số tại Karachi, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính Pakistan, chính phủ do PPP lãnh đạo chỉ còn kiểm soát 156 ghế tại quốc hội, thiếu 16 ghế để chiếm đa số. Nguy cơ sụp đổ đã hiển hiện trước mắt và chiếc ghế thủ tướng của ông Gilani đang bị lung lay mạnh nếu phe đối lập hợp sức bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Không vượt qua được cửa ải này, một cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ là lựa chọn bắt buộc.

Cho đến thời điểm này, cơ hội để tránh kịch bản tồi tệ trên chưa phải đã hết. Mối quan hệ không phải của những người cùng chí hướng giữa MQM và đảng đối lập chính, Liên minh Hồi giáo (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif được xem là thời cơ vàng để Thủ tướng Gilani nỗ lực đàm phán với các chính đảng khác nhằm tìm kiếm đồng minh mới. Số phận bấp bênh của Chính phủ Pakistan có vẻ như chưa đến hồi kết khi ban lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Qaid-e-Azam (PML-Q), chính đảng hiện kiểm soát 50 ghế quốc hội đã tỏ ý ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm. Ngay cả các đảng đối lập cũng chưa bộc lộ động thái nào cho thấy sẽ sử dụng quân bài cuối cùng và thời gian vẫn còn để thử thách tài năng chèo lái của ông Gilani.

Dù theo đuổi những tư tưởng khác nhau, nhưng bất kỳ một đảng phái nào tại Pakistan cũng hiểu rằng những biến động chính trị sẽ là thảm họa cho đất nước khi đang phải đương đầu với những khó khăn kinh tế. Lún sâu hơn vào khủng hoảng, đất nước Nam Á này sẽ bế tắc trong việc đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận khoản vay 11 tỷ USD. Ngân khoản này có ý nghĩa quyết định nhằm cứu nền kinh tế bị di chứng nặng nề của đợt lũ lụt kinh hoàng ảnh hưởng tới 21 triệu người vào giữa năm ngoái. Sự xáo trộn không đáng có trên chính trường cũng sẽ lấy đi của Pakistan những khoản viện trợ từ Mỹ, nhằm củng cố vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố và tàn quân Taliban đang ẩn náu ở nhiều khu vực biên giới nước này. Do vậy, vị thế của Pakistan trên nhiều phương diện phụ thuộc vào sự ổn định chính trị. Thủ tướng Gilani đang thực sự bước vào cuộc đua không chỉ quyết định vận mệnh chính trị của ông mà còn cả tương lai của đất nước 165 triệu dân.

Vân Khanh