Xử lý cây trồng gây hại công trình liền kề
Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 06/01/2011
Nguyễn Sĩ Tiến (Vĩnh Ngọc, Đông Anh)
Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo quy định tại Điều 265, Điều 272 Bộ luật Dân sự 2005, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây, hoặc làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp các chủ sử dụng đất có thỏa thuận khác. Nếu ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.
Trong trường hợp cây cối có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề hoặc nơi sinh hoạt công cộng thì chủ sở hữu phải chặt cây. Chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu chủ sở hữu cây cối có nguy cơ sập đổ phải chặt cây; nếu người đó không chặt cây thì chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây. Chủ sở hữu phải chi phí cho việc chặt bỏ cây.