Bài 5: Họ đã đứng mũi chịu sào
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:52, 06/01/2011
Ảnh chụp lại trong phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. |
Sau chiến tranh, vào năm 1986, Đảng ta, vì lợi ích dân tộc, đã bắt đầu công cuộc đổi mới. Và báo chí, phương tiện truyền tải đường lối của Đảng, ý kiến của dân, cũng bắt đầu chuyển đổi. Không đơn giản, không nhẹ nhàng nhưng thật sự chuyển đổi. Vì đó là quyết tâm của Đảng; vì đó là khát vọng của dân.
Những năm đó, nhiều người mong chờ và bàn luận những bài viết của Trần Bạch Đằng đăng trên các báo phía Nam và của Thái Duy trên báo miền Bắc (Báo Đại Đoàn Kết). Đó là những bài báo thức tỉnh hiểu biết của dân chúng về đổi mới.
Những ngày đầu đổi mới đó, dư luận đã bị choáng bởi bài viết "Cái đêm hôm ấy… đêm gì" của Phùng Gia Lộc, đăng trên Báo Văn Nghệ, nói về hiện trạng bức bối ở vùng quê Thanh Hóa của ông; rồi cả nước rực lên với bộ phim tài liệu - thời sự của đạo diễn Trần Văn Thủy "Hà Nội trong mắt ai". Những sự thật đau lòng trong xã hội ai cũng biết đã bao năm mà không tin nổi là giờ đây có thể đưa ra công khai.
Báo chí bắt đầu đăng những bài viết phê phán những tiêu cực trong xã hội, trong cuộc sống hằng ngày. Nói nghiêm túc, thời mở đầu đó, thời mở cửa đó, các nhà báo nói chung không hề nghĩ đến nổi tiếng. Họ chỉ có một hướng đi theo - đổi mới như Đảng yêu cầu, như dân cần được biết.
Có thể hôm nay nhiều người không hiểu được những gì mà những người đứng mũi chịu sào hồi đó đã trải qua, chứ chưa nói là đã trả giá. Đúng là như vậy. Nhưng những gì những người mở đường trải qua muốn nói là để người sau không còn bị như vậy. Đó là điều tuyệt diệu nhất trong đời làm báo tôi học được từ các bậc tiền bối.
Đó là thời khó khăn. Về mọi phương diện. Đất nước hoàn toàn bị cấm vận. Kinh tế trong nước khủng hoảng nặng... Tất cả những gian nan đó đã được Đại hội VI của Đảng giải quyết bằng một giải pháp: Đổi mới, mở cửa. Và báo chí cũng từ đó mà tiến lên…
Các báo phía Nam đồng loạt đăng tải loạt bài về một vụ việc không ai nghĩ rằng nó có thể xảy ra: Một số quan chức về thành phố bắt đầu tha hóa. Cả nước kinh hoàng. Tiếp theo, các báo phía Bắc, khởi xướng là các báo Hànộimới, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, đăng bài "vạch mặt, chỉ tên" những sai phạm, tiêu cực trong một số ngành.
Nhưng những ngày đó chuyện tiêu cực, dù rất to, không phải tiêu điểm của các báo. Những bài viết rất được mong đợi của tác giả Nguyễn An Định (Báo Lao Động), về những sai lầm, những ấu trĩ và những cần thiết thay đổi trong tư duy kinh tế mới, đúng là những định hướng thật sự về nghề nghiệp cho những người làm báo trẻ. Xuân Ba (Báo Tiền Phong), có những bài viết rất lạ về những con người trong hoàn cảnh mới, từ những cô thanh niên xung phong ngày nào trong các lâm trường không thể lấy nổi chồng đến những bộ trưởng đối đầu với những thử thách của cơ chế thị trường. Hay như Huỳnh Dũng Nhân, qua Báo Tuổi Trẻ, rồi "định cư" ở Lao Động, là phóng viên có những phát hiện mới - những con người lao động nông thôn ra thành phố; những cuộc sống tưởng như siêu thoát ở những vùng rừng "chó sói"...
Ở Báo Hànộimới - cơ quan ngôn luận của Thủ đô - Khó có ai quên những bài viết "Không ra đùa không ra thật" của Hoàng Định (Trần Chiến), hay những bài phóng sự về những chuyện chẳng ai hiểu tại sao lại có của Đoàn Anh Tuấn về những vùng đất thật gần mà thật xa; hay những câu chuyện nửa thật nửa không của Nguyễn Ngọc Tiến về những gì thường ngày mình vẫn bên mình mà không thấy, không biết, như chuyện bên hồ Gươm vậy... Và còn nhiều cây bút dũng cảm khác của Hànộimới chưa kể hết.
Đã có lúc báo chí trải qua những khó khăn. Một số tờ báo lớn như Hànộimới, Tiền Phong đã từng bị xem xét xử lý vì những bài viết về những "lộn xộn" trong một số ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Báo chí đã có thể động chạm tới những nơi tưởng như bất khả xâm phạm. Nhưng cuối cùng báo không sai. Ít nhất cũng vì báo đấu tranh cho sự thật.
Đã nói tới phóng viên, cũng nên nói tới người lãnh đạo họ. Tôi kính phục một số người từng là Tổng biên tập dù không phải ai trong số họ cũng biết tôi. Họ thật giỏi và dũng cảm.
Đó là những năm tháng kỳ diệu tạo nên sức bật hôm nay, sức bật Việt Nam để cả thế giới chú ý. Đó là thời kỳ, một lần nữa, thế hệ trẻ Việt Nam đã bật lên khi có định hướng. Đó là thời kỳ vượt qua những tự mãn, trì trệ, chờ đợi. Đó là thời kỳ báo chí góp phần thay đổi cách nhìn, nhận thức của xã hội về quan niệm, lối sống, làm giàu, đạo đức và cũng qua đó báo chí bắt đầu cảnh báo xã hội rằng sẽ có một bước ngoặt lớn trong hoạt động xã hội. Và điều đó đã diễn ra.
Cũng phải nói rằng, như mọi tiến trình đổi mới, báo chí, dù đại diện là những người đi trước, rất nhận thức được trách nhiệm của mình, cũng đã có lúc sai lầm.
Dù sao cũng thấy một chuyện đơn giản là báo chí sống và làm việc, trưởng thành cùng đất nước nên không thể tránh khỏi những gì đất nước trải qua. Nhưng cũng từ những sai lầm đó để rút ra bài học mà hôm nay chúng ta ổn định hơn, quyết tâm hơn. Và chắc chắn sẽ không đi chệch con đường đã chọn.
Đó là tất cả những gì những người đi đầu trong làng báo Việt Nam, những người được gọi là đứng mũi chịu sào, mong muốn khi dấn thân!